COP28 sắp diễn ra và các vấn đề đáng lưu ý

COP28 sắp diễn ra và các vấn đề đáng lưu ý

Hội nghị thượng đỉnh COP28 sắp diễn ra là dấu mốc quan trọng để các bên cùng tập trung thảo luận, đưa ra định hướng quan trọng cho ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững toàn cầu.

Trong hai tuần kể từ ngày 30/11, các nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà tài chính sẽ hội tụ tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để tham dự cuộc họp thường niên quan trọng nhất về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì này. Dưới đây là các vấn đề chính sẽ được đàm phán tại COP28:

Kiểm kê toàn cầu theo Thỏa thuận Paris

Kể từ khi Thỏa thuận Paris ra đời vào năm 2015, đây là lần đầu tiên các quốc gia được yêu cầu chứng minh sự tiến bộ của mình trong việc thực hiện các mục tiêu về khí hậu. Kiểm kê toàn cầu là một quá trình bắt buộc theo Thỏa thuận Paris, nhằm kiểm tra 5 năm một lần về tiến độ của các quốc gia trong việc đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải.

Theo đó, các quốc gia đặt ra các mục tiêu giảm phát thải ban đầu và phải cập nhật chúng với những thành tích tốt hơn sau mỗi 5 năm. Các cam kết tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2025.

Liên hợp quốc mô tả việc kiểm kê là “nhằm có cái nhìn sâu rộng và lâu dài về tình trạng của hành tinh, đồng thời vạch ra lộ trình tốt hơn cho tương lai”. Trong hai năm qua, Liên hợp quốc đã thu thập các dữ liệu cần thiết để đưa ra số liệu kiểm kê toàn cầu.

Về cơ bản, hội nghị COP28 nhằm mục đích đưa thế giới đi đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu đã thống nhất vào năm 2015 là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để làm được điều đó, cần cắt giảm gần một nửa lượng khí thải trên thế giới.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: IT)

Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Sau 12 tháng kể từ cuộc đàm phán COP27 ở Ai Cập, Trái đất có vẻ tiếp tục nổi con thịnh nộ và đang nóng lên nhanh chóng. Khoa học chỉ ra rằng hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Trái đất vừa ghi nhận khoảng thời gian 3 tháng hè nóng nhất từ trước đến nay ở Bắc bán cầu (từ tháng 6 đến tháng 8). Năm 2023 cũng đang trên đà trở thành năm nóng thứ hai trong lịch sử được biết đến. Những đợt nắng nóng kỷ lục có thể cảm nhận trên khắp châu Âu. Hiện tượng này dẫn đến cháy rừng, kéo theo đó là mưa bão.

Sự nóng lên của Trái đất chủ yếu đến từ việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Một trong những cuộc đàm phán gây tranh cãi nhất tại COP28 là vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch, và liệu các quốc gia có nên cam kết bắt đầu loại bỏ dần việc sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2 hay không.

Trước đó tại COP26, các quốc gia đã đồng ý giảm dần việc sử dụng than, nhưng chưa bao giờ đồng ý loại bỏ tất cả nhiên liệu hóa thạch – nguồn phát thải chính khiến hành tinh nóng lên.

Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác đang kiên quyết đạt được thỏa thuận COP28 cuối cùng là cam kết các nước loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, thỏa thuận này trước đó đã không được thống nhất tại một hội nghị khí hậu hồi tháng 7.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo vào tháng 10 rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm khoảng 80% tổng năng lượng sử dụng, nhưng đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 40% kể từ năm 2020.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

COP28 hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, đánh giá và tham gia nhiều bên trong hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương. 

COP28 tập trung đặc biệt vào các giải pháp dựa vào tự nhiên, dựa vào hệ sinh thái. Hội nghĩ cũng tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại trên quy mô toàn cầu, cơ chế vận hành, đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thiết lập tại COP27.

Các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon

COP28 tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris gồm các nội dung cơ chế hợp tác chuyển giao kết quả giảm nhẹ nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Điều 6.2); Cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững (Điều 6.4); Cơ chế phi thị trường tích hợp, tổng thể và cân bằng (Điều 6.8).

Trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi tín chỉ carbon hình thành theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto sang cơ chế thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Tài chính khí hậu

Việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ cần một lượng đầu tư “khủng”, nhiều hơn số tiền mà thế giới đã dự trù ngân sách cho đến nay.

Theo Liên hợp quốc, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ cần ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với những tác động ngày càng tồi tệ của khí hậu như bão hoặc nước biển dâng. Ngoài ra, họ sẽ cần nguồn tài trợ để giúp thay thế năng lượng gây ô nhiễm bằng các nguồn năng lượng sạch.

Ngoài ra còn có chi phí thiệt hại do thảm họa khí hậu gây ra. Tại COP28, các quốc gia sẽ được giao nhiệm vụ thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Các quốc gia đang phát triển cho rằng quỹ này sẽ huy động được ít nhất 100 tỷ USD vào năm 2030. Mức chi phí khổng lồ này dự kiến gây căng thẳng trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc.

Các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu muốn được hỗ trợ chi phí nhiều hơn để thích ứng với một thế giới chắc chắn sẽ nóng lên trong tương lai. Các nước này muốn được hỗ trợ chi phí bởi các quốc gia giàu có – nơi từng phát thải lượng CO2 khổng lồ gây nên biến đổi khí hậu.

EU và Mỹ cho biết sẽ rót tiền vào quỹ thiệt hại khí hậu tại COP28, đồng thời nói về sự cần thiết của nguồn tài chính tư nhân. Các nước giàu cũng đối mặt với áp lực phải chứng minh rằng họ đã đáp ứng cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.

Các nước phát triển đã nhiều lần hứa sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển trong giai đoạn 2020 – 2025, nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Số tiền này nhằm mục đích giúp các quốc gia nghèo giảm thiểu và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề khai thác rừng

Năm 2021, mức độ phá rừng toàn cầu giảm 6,3%. Nhưng đến năm 2022, tỉ lệ này đã tăng trở lại 4%. Khoảng 6,6 triệu ha rừng biến mất trong năm ngoái, tương đương với diện tích Sri Lanka.

Tại COP26 ở Glasgow, 145 quốc gia đã ký cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030 như một biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Bất chấp cam kết đó, xu hướng phá rừng vẫn đang tiếp tục, dự kiến làm gia tăng căng thẳng trong các cuộc đàm phán tại COP28, nhất là khi các quốc gia vùng Amazon đã không đồng ý về các mục tiêu thống nhất về nạn phá rừng tại hội nghị khí hậu hồi tháng 8 năm nay.

Đánh giá nỗ lực toàn cầu 

COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, NDC và các văn bản khác để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Ban tổ chức, COP28 sẽ bổ sung thêm chương trình đại biểu khí hậu dành cho giới trẻ lớn nhất từ trước đến nay và các gian trưng bày dành cho người bản địa, với nhiều hoạt động thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích