Thương mại điện tử hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững

Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng còn nhiều thách thức

Dữ liệu báo cáo từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) tiết lộ rằng thị trường mua sắm trực tuyến của Việt Nam đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng nổi bật trong những năm qua. Mặc dù đối mặt với những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, khoảng 25% cao hơn 5% so với năm 2022.

Theo báo cáo, doanh số bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2023, tương đương với khoảng 6 tỷ USD. Trong đó, Shopee là động lực chính với doanh thu hơn 135 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương cũng đưa ra dự báo tích cực về tình hình TMĐT Việt Nam. Ngành này đã duy trì tốc độ tăng trưởng từ 16 đến 30% trong những năm qua và dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng tốc độ tăng trưởng cao không đồng nghĩa với sự bền vững. Lý do trước hết là vấn đề về cạnh tranh trên các sàn TMĐT tử Shopee, Lazada, Tiktok Shop hiện nay đang diễn ra hết sức gay gắt. “Người người, nhà nhà cùng online, có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn” ông Thành nhận định.

Vấn đề hàng giả, hàng nhái, và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng là một thách thức lớn. Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các trang TMĐT đang gặp khó khăn, và việc lưu thông nhiều hàng giả có thể ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của các sàn.

Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cũng được cho là tạo ra mối đe dọa cho TMĐT trong tương lai. Hiện khoảng gần 70% dân số ở các tỉnh thành nông thôn nhưng các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh lại chiếm tới 70% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn quốc. Thống kê cũng ghi nhận, doanh thu trên các sàn TMĐT chủ yếu đến từ hai thành phố lớn là Hà Nội với hơn 42 nghìn tỷ đồng và thành phố Hồ Chí Minh là 57 nghìn tỷ đồng.

Các vấn đề như ô nhiễm môi trường do bao bì, chính sách chưa kiểm soát toàn diện, chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng cao, vấn đề logistics,… cũng là những nguyên nhân được ông Thành đưa ra để lý giải cho luận điểm TMĐT Việt Nam khó bền vững.

Tiếp tục triển khai những phương án hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững

Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang hướng tới tăng trưởng bền vững, phát triển thương mại điện tử xanh trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, xanh hóa logistics vẫn là thách thức của các doanh nghiệp nhóm ngành này do việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải chưa cao, chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, đường không… gây phát thải CO2. Đó là chưa kể các doanh nghiệp logistics quy mô nhỏ hạn chế về nhận thức và gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh.

Bà Phạm Thị Lan Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần chuyển dịch ra khỏi phương thức vận tải phát thải CO2 cao.

“Logistics xanh là tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm thiểu xe rỗng, đạt hiệu quả cao nhất đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm thiểu phương thức không thân thiện với môi trường”, bà Lan Hương chỉ rõ.

Ngoài ra, chuyển đổi xanh còn là sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong hoạt động logistics như bao gói, hoạt động nhà kho…

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, phát triển thương mại điện tử bền vững cũng cần phải gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Trên TikTok có hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với các quy định rất chặt chẽ bảo đảm những người bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền bị gỡ bỏ nhanh nhất”, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết.

Theo đó, ông Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số chiếm từ 20 đến 25%, mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử đạt 20-25%, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp lý, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử để chống hàng giả, hàng nhái; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, tăng cường bảo vệ môi trường; khắc phục hạn chế của hạ tầng thương mại điện tử liên quan tới logistics, thanh toán…

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ban hành các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai cơ sở dữ liệu về công nghiệp và thương mại, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng và trên nền tảng thương mại điện tử…”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.

 Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích