Thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Luật này quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật, bỏ điểm d khoản 2 Điều 1 và bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 1: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng và pháp luật có liên quan để xử lý tài sản bảo đảm”.

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9), có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện về “không trong thời gian đang thực hiện thủ tục phá sản” vì theo Luật Phá sản thì doanh nghiệp đang mở thủ tục phá sản vẫn tiếp tục được hoạt động kinh doanh nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán, của quản tài viên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 về “Không trong thời gian đang thực hiện thủ tục phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật” để tránh gây cản trở đối với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2014, trình tự, thủ tục phá sản gồm nhiều bước: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Tòa án thụ lý và xem xét đơn yêu cầu phá sản; Mở thủ tục phá sản; Hội nghị chủ nợ; Phục hồi kinh doanh; Ra quyết định tuyên bố phá sản và thi hành quyết định. Nếu không cho phép doanh nghiệp bất động sản kinh doanh từ khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc có quyết định mở thủ tục phá sản của thẩm phán sẽ dẫn đến cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không cho doanh nghiệp có cơ hội phục hồi. Trường hợp Tòa án đã ra quyết định tuyên bố phá sản thì việc bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đã được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Có ý kiến cho rằng, việc quy định trường hợp cá nhân kinh doanh bất động sản với quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế là không khả thi do khó xác định được “quy mô nhỏ”, dễ phát sinh tiêu cực, trốn thuế; đề nghị kinh doanh bất động sản thì đều phải thành lập doanh nghiệp, không phân biệt quy mô.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thực tế, việc xác định mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong khái niệm kinh doanh tại khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và khái niệm kinh doanh bất động sản tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật là khó thực hiện. Do đó, nếu không quy định về tiêu chí phân biệt theo quy mô sẽ dẫn đến mọi hoạt động mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng đều bắt buộc thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, không khả thi trong thực tế.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh sửa theo hướng: Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ không phải thực hiện các quy định của dự thảo Luật nhưng phải kê khai nộp thuế. Trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng giữa cá nhân với cá nhân phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, hạn chế nguy cơ gian lận, lừa đảo, lừa dối, bổ sung thông tin cho cơ sở dữ liệu về giao dịch bất động sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, phải kê khai nộp thuế và thực hiện các quy định khác của dự thảo Luật; quy định này không áp dụng với tổ chức để bảo đảm tính chuyên nghiệp và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Các trường hợp tổ chức, cá nhân khác thì phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý tại khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật: “Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này; quy định việc xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ”. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết để thực hiện đúng quy định của Luật về nội dung này.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích