Lưu giữ giá trị truyền thống của làng Cựu trong cuộc sống đương đại
(Xây dựng) – Tại tọa đàm “Sức sống mới của làng cổ – làng Cựu trong cuộc sống đương đại” (một trong những hoạt động tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023) mới đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của làng Cựu, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Làng Cựu là làng cổ mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật (Ảnh: Kim Anh). |
Bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá
Làng Cựu là làng cổ hơn 500 năm tuổi thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) nằm cách trung tâm Hà Nội 40km, nổi tiếng chỉ sau làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn truyền thống đặc trưng, vừa là một bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá, vừa có tiềm năng về du lịch.
Ngôi làng cổ này nổi danh với những ngôi biệt thự cổ pha lẫn kiến trúc Việt và Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX. Trong khoảng thời gian từ 1920 – 1945, hàng chục “ngôi biệt thự” làng Cựu được xây dựng với kiểu kiến trúc vòm cuốn, mái chảy, gỗ lim… Các chi tiết nhỏ trong nhà thường được trạm trổ cầu kỳ hoa lá, hạc, phượng.
Nhiều người gọi làng Cựu là “làng Tây” bởi chính sự pha trộn giữa nét văn hoá Á Đông và phương Tây đã đem đến cho làng Cựu sự độc đáo so với những ngôi làng cổ khác ở Hà Nội. Làng Cựu vẫn còn giữ nguyên được nhiều ngôi biệt thự có giá trị kiến trúc, các công trình tín ngưỡng và không gian công cộng như đình làng, sân đình, giếng làng… là đặc trưng kiến trúc của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Hiện nay, làng Cựu đang đứng trước thách thức về bảo tồn nhà cổ và gặp không ít khó khăn trong phát huy giá trị di sản của làng cổ. Để bảo tồn ngôi làng đặc biệt này, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền và người dân địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư.
Theo TS. Lê Quỳnh Chi, Ths. Dương Quỳnh Nga – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội, làng Cựu chứa đựng nhiều giá trị, hạ tầng văn hóa sáng tạo, trên cả vật thể và phi vật thể; là nền tảng để phát triển hoạt động sáng tạo. Lịch sử làng Cựu là lịch sử của sự hồi sinh và sự sáng tạo trong chuyển đổi kinh tế; trường học Huỳnh Thúc Kháng hoàn thành năm 1945 thể hiện triết lý giáo dục sáng tạo…
Không gian kiến trúc cảnh quan được xây dựng ngẫu hứng sáng tạo pha trộn kiến trúc phương Tây trên nền tảng truyền thống của không gian làng Vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vậy, nếu khai thác giá trị làng cổ cho hoạt động sáng tạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho việc bảo tồn, khai thác phát triển văn hóa, du lịch.
Đề xuất phát triển theo nhiều mô hình khác nhau
Theo các chuyên gia, có thể áp dụng mô hình phát triển làng nghề – du lịch và làng di sản – du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng cho làng Cựu. Đây là mô hình phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng; lấy giá trị văn hóa làng xã truyền thống làm gốc, tích hợp giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng để phát triển các sản phẩm du lịch; tạo lập kinh tế du lịch có hiệu quả, bền vững; góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa làng xã truyền thống và xây dựng nông thôn mới.
Để bảo tồn làng Cựu, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền và người dân địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư (Ảnh: Kim Anh). |
Về nguyên tắc phát triển, địa phương cần tạo bộ sản phẩm du lịch đa dạng, sáng tạo; dịch vụ du lịch phải đồng bộ; tổ chức tốt không gian du lịch, gắn kết với quy hoạch nông thôn mới; liên kết du lịch vùng, quốc gia, quốc tế; quảng bá du lịch ứng dụng tốt công nghệ thông tin; có sự tham gia của chính quyền – cộng đồng – doanh nghiệp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị…
TS.KTS Mongkol Khan – giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (Thái Lan) nhận định, việc bùng nổ du lịch hiện nay đã và đang thúc đẩy sự hồi sinh của các di sản văn hóa. Để phát huy các giá trị của di sản làng Cựu, cộng đồng cần phải tham gia tích cực vào các dự án phục hồi di sản. Việc thu hút cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và phục hồi sẽ nuôi dưỡng cảm giác tự hào và sự gắn kết xã hội.
Bên cạnh đó, nên khuyến khích các bên sáng tạo và đổi mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Di sản văn hóa có thể là nguồn cảm hứng cho các ngành công nghiệp sáng tạo. Việc hồi sinh các không gian di sản có thể đóng vai trò là vườn ươm cho sự đổi mới, thể hiện tính nghệ thuật và phát triển các sáng kiến văn hóa mới.
“Hiện có một số phương pháp sáng tạo dành cho các làng thủ công, làng cổ ở Hà Nội. Các bên có thể tái sử dụng không gian thành phòng trưng bày nghệ thuật hoặc trung tâm văn hóa; phát triển và duy trì các kỹ thuật thân thiện với môi trường; sử dụng công nghệ mới như scan 3D; hợp tác với các tổ chức hoặc cơ quan quốc tế để chia sẻ và bảo tồn những kỹ năng độc đáo của nghệ nhân làng nghề… Hà Nội cũng cần thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa, tiến tới bảo tồn toàn diện các làng nghề”, ông Mongkol Khan nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Hiện nay, những ngôi nhà cổ tại làng Cựu có lịch sử hàng trăm năm đang được chính quyền địa phương và các hộ dân phối hợp với các sở, ngành của thành phố Hà Nội đề xuất UBND thành phố cho phép lập phương án trùng tu để bảo tồn các giá trị lịch sử.
Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ đề xuất và triển khai khôi phục lại thương hiệu may tại làng Cựu nhằm duy trì nghề may, tìm thêm các thị trường xuất khẩu, tạo nên thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương sẽ có phương án đào tạo và phát triển dòng sản phẩm thời trang để tạo nên thương hiệu mang tên “làng Cựu”, thiết kế và may đều tại làng Cựu và do người dân làng Cựu thực hiện.
Nguồn: Báo xây dựng