Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/11/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 27/11/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 27/11/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này…
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, về nội dung này, UBTVQH cho rằng, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua. Do đó, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc quy định về dòng chảy tối thiểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4).
Cùng với đó, khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).
Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường như tại điểm h khoản 2 Điều 42 vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường. UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.
Tàu cá bị hỏng máy, 14 thuyền viên kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp
Ngày 27-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đã có báo cáo Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn liên quan tàu cá có 14 lao động hỏng máy thả trôi trên biển.
Theo đó, khoảng 3 giờ ngày 26/11, tàu cá BĐ 98833TS hành nghề lưới vây, gồm 14 lao động do ông Võ Minh Vương (ngụ phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, khi đang hoạt động tại vị trí cách Đông Bắc đảo Phú Quý khoảng 140 hải lý thì bị hỏng máy, thả trôi. Thuyền trưởng tàu cá BĐ 98833TS đã đề nghị hỗ trợ khẩn cấp.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo cho tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên biển gần khu vực trên biết để hỗ trợ tàu cá BĐ 98833TS.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đề nghị, Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phát thông tin cứu nạn để các tàu, thuyền trong khu vực hoặc hành trình đi ngang qua vị trí trên biết thông tin, hỗ trợ tàu cá trên.
Một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế Quảng Bình nỗ lực dập dịch
Ngày 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết (SXH).
Trước đó, nữ bệnh nhân (56 tuổi, trú xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Bình với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue/Tăng huyết áp/Suy tim/Viêm phế quản.
au đó, bệnh nhân này được chuyển tới BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới với chẩn đoán sốc SXH Dengue ngày thứ 5/suy tim/sốc nhiễm khuẩn.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân tiên lượng rất nặng nên gia đình xin đưa bệnh nhân về, người này sau đó tử vong tại nhà.
Theo lãnh đạo CDC Quảng Bình, hiện nay do tình hình thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện cho dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue bùng phát, số lượng bệnh nhân có chiều hướng gia tăng trong tháng 10 và tháng 11 này.
Đặc biệt, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm 159 trường hợp mắc SXH tại 7 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Minh Hóa), với trên 60 xã, phường có bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong đó có 1 trường hợp tử vong do SXH.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Quảng Bình ghi nhận 1.360 ca mắc SXH Dengue, 1 trường hợp tử vong. Trong đó, huyện Bố Trạch và huyện Quảng Ninh là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất: Bố Trạch 398 ca, Quảng Ninh 247 ca; tiếp đó là Đồng Hới với 218 ca, Lệ Thủy 150 ca… huyện miền núi Minh Hóa 23 ca.
Để chủ động phòng và khống chế dịch SXH Dengue, không để dịch lớn xảy ra trong những tháng cuối năm, CDC Quảng Bình đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện giám sát bệnh nhân và các chỉ số véc tơ SXH De tại các xã, phường trọng điểm, ổ dịch cũ và các xã có nguy cơ…
Khánh Hòa phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chính quyền
Ngày 27/11, thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa công bố thông tin phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Theo đó, trái phiếu chính quyền địa phương do UBND tỉnh Khánh Hòa phát hành nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công đã được HĐND tỉnh thông qua theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách nhà nước. Trái phiếu được phát hành để bù đắp cho bội chi ngân sách địa phương. Nguồn hoàn trả trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách tỉnh. Việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước theo nguyên tắc đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
Theo công bố, khối lượng phát hành trái phiếu tối đa 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm, mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng. Phương thức thanh toán gốc, lãi như sau: Trả gốc 1 lần khi đáo hạn cho từng đợt phát hành; trả lãi định kỳ 1 lần/năm.
UBND tỉnh Khánh Hòa có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu nợ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh này cũng có thể hoán đổi trái phiếu để cơ cấu lại nợ. Quy trình mua lại, hoán đổi trái phiếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo thông báo, ngày tổ chức phát hành trái phiếu dự kiến là ngày 4/12 được thực hiện theo phương thức đấu thầu phát hành tại tổ chức thực hiện đấu thầu công nợ Chính phủ.
Nguồn vốn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh Khánh Hòa cam kết bố trí nguồn ngân sách để thanh toán nợ gốc lãi, trái phiếu đầy đủ, đúng hạn.
Trước đó, vào tháng 12/2022, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã tổ chức kỳ họp thứ 8 để xem xét, thảo luận và thông qua một số nghị quyết quan trọng nhằm phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Tại kỳ họp, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án sơ bộ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Theo đó, phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương, mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng/trái phiếu.
Sắp thu phí tự động ở 5 sân bay đông khách nhất cả nước
Ngày 27/11, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đã phê duyệt báo cáo đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án thu phí tự động áp dụng tại 5 cảng hàng không bao gồm: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Bài và Tân Sơn Nhất. Sau khi lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng trong năm, hệ thống thiết bị sẽ được lắp đặt sau 180 ngày.
Theo kế hoạch, ACV dự kiến đầu tư hơn 214 tỷ đồng bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển nhằm hiện đại hóa, đồng bộ các hệ thống thu hiện hữu tại các cảng. Hệ thống này giúp giảm ùn tắc giao thông tại các lối ra, vào sân bay, tạo thuận lợi cho khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn gửi Chính phủ, kiến nghị cho phép thí điểm áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí bãi đỗ xe sân bay trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đường bộ do Bộ GTVT đang triển khai.
Với nền tảng là hàng triệu ô tô đã được dán thẻ ETC (của VETC hoặc VDTC), Bộ GTVT sẽ xây dựng hệ thống thu phí không dừng tại sân bay theo hướng tích hợp, có thể sử dụng luôn thẻ ETC đường bộ để qua làn thu phí của sân bay mà không cần dán thêm thẻ hay phát sinh thêm thủ tục.
Về mặt thủ tục, dự án thu phí điện tử không dừng sẽ cần điều chỉnh, tiến tới mở rộng thêm nhiều dịch vụ mới như: thu phí cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống để tiến tới tổ chức thu phí đa làn tự do.
Hiện nay, trung bình một ngày có khoảng 16.000 – 20.000 lượt phương tiện qua trạm thu phí sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Việc tổ chức thu phí ô tô ra vào sân bay theo lối thủ công, tài xế phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt dẫn tới cảnh ùn tắc, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia khi mà các các trạm thu phí sân bay có thể coi là một trong những cửa ngõ đầu tiên đón tiếp khách quốc tế.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị