Phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường
(TN&MT) – “Trước tình trạng cạn kiệt tài nguyên; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… thì khoa học và công nghệ lại càng phải thực hiện tốt hơn vai trò động lực, dẫn dắt của mình”.
Chỉ đạo trên được đưa ra tại Thông báo số 145/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng cần giải quyết.
Khoa học ứng dụng ngày càng phát triển
Thông báo số 145/TB-VPCP nêu rõ, trong nhiều năm qua, khoa học và công nghệ luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, khoa học và công nghệ đã từng bước khẳng định vị thế và vai trò của mình. Trong đó, Khoa học ứng dụng có bước tiến rõ nét. Điển hình như những sản phẩm, công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 như bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn và được bán tại Châu Âu, vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập, năm 2020 đứng thứ 42/131 quốc gia….
Mô hình tưới nước bằng năng lượng mặt trời góp phần tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường |
Hiện nay, nước ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, nguồn lực khoa học và công nghệ của đất nước còn manh mún, chia cắt, chưa được huy động một cách có hệ thống, tổng thể và liên thông.
Bên cạnh đó là tình trạng cạn kiệt tài nguyên; xu hướng già hóa dân số; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh… Tất cả những thách thức đó buộc ngành khoa học – công nghệ phải thay đổi, kịp thời xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, đánh giá, dự báo đúng xu thế…góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các hoạt động khác của xã hội.
Huy động mọi nguồn lực phát triển khoa học – công nghệ
Theo Thông báo số 145/TB-VPCP, thời gian tới, ngành khoa học – công nghệ phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cả trong và ngoài nước; chủ động thiết kế các công cụ để phân cấp mạnh hơn đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, phải chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển khoa học và công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao và khơi thông nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tinh thần là phát triển khoa học và công nghệ không chỉ đơn thuần hướng tới mục tiêu tăng trưởng, mà còn phải gắn với phát triển văn hoá, phát triển con người và an sinh xã hội; phục vụ mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó lưu ý phát triển và quản lý hiệu quả các sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng theo hướng lưỡng dụng.
Song song đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học; Chủ động, tích cực hơn trong hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, nhất là những, công nghệ mới, tiên tiến của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu….