Trung Quốc chi gần 1,7 tỷ USD nhập cao su Việt Nam
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,27 triệu tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 9,3% về lượng, nhưng giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.319 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280), chiếm 84,89% về lượng và chiếm 87,5% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường này.
Đứng thứ 2 là chủng loại Latex chiếm 9,7% và SVR 3L chiếm 1,25% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Trung Quốc đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó giảm mạnh nhất là RSS1 giảm 21,3%, tiếp đến là cao su tổng hợp giảm 19%; Latex giảm 18,7%; SVR CV60 giảm 16,8%; SVR 3L giảm 16,5%; SVR 10 giảm 16,1%…
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý, tại thị trường Trung Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà… do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã…
Nhìn lại hành trình xuất khẩu 10 tháng qua, cho thấy xuất khẩu cao su giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Xuất khẩu cao su rơi xuống mức thấp nhất vào tháng 4/2023 với 87.749 tấn và trị giá 121,79 triệu USD, giảm 24,3% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với tháng 3/2023; giảm 13,9% về trị giá so với tháng 4/2022.
Do sự sụt giảm này, đã khiến xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm giảm tới 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Từ tháng 5/2023, xuất khẩu cao su đã hồi phục dần. Trong các tháng 7, 8, 9, xuất khẩu cao su liên tục tăng trưởng về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm mạnh, nên giá trị kim ngạch vẫn luôn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Suốt hơn 2 năm qua, chứng kiến giá cao su xuất khẩu liên tục giảm. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 giảm 7,8% so với năm 2021. Hiệp hội Cao su Việt Nam lý giải, giá cao su giảm trong các năm 2021 và 2022 là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid, Trung Quốc “đóng cửa” đã tác động tiêu cực đến thị trường cao su. Bước sang đầu năm nay, nhiều dự báo cho rằng Trung Quốc mở cửa trở lại, sẽ giúp giá xuất khẩu cao su hồi phục. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, giá cao su xuất khẩu tiếp tục suy giảm.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn nhiều nhận định tỏ ra lạc quan rằng, giá cao su sẽ tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm và đầu năm 2024. Hiện giá dầu đang tăng lên, đã khuyến khích người dùng chuyển từ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ sang sử dụng cao su tự nhiên. Trong bối cảnh xuất khẩu cao su của Việt Nam đang rơi xuống mức âm, thì tín hiệu lạc quan ở thị trường chủ lực là Trung Quốc vẫn nhen nhóm hy vọng của các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam.
Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên “bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700 – 1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.
Trước những lợi thế và nhu cầu rõ ràng, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỉ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Theo Thương hiệu Sản phẩm
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu