Phổ biến kiến thức năng suất chất lượng cho sinh viên: ‘Lean – Tư duy giảm thiểu lãng phí để tăng năng suất’

Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.000 giảng viên, sinh viên 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy lợi; Học viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KH&CN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Khánh Hòa.

Tại buổi đào tạo, ông Vũ Thanh Huyền – Chuyên gia Tư vấn, Viện Năng suất Việt Nam đã trình bày về Lean – Tư duy giảm thiểu lãng phí để tăng năng suất. Theo chuyên gia, hiểu một cách đơn giản, Lean là mô hình bao gồm các nguyên tắc, công cụ cải tiến có hệ thống, tập trung vào việc tạo giá trị từ góc nhìn của khách hàng và loại bỏ lãng phí trong sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của một tổ chức. Lean giúp tăng khả năng sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.

Buổi đào tạo thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Trong sản xuất Lean, giá trị của một sản phẩm do khách hàng quyết định, sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng, thời gian và giá cả. Để đánh giá giá trị từ góc nhìn của khách hàng, các công ty phải phân tích kỹ lưỡng mọi quá trình kinh doanh, nhận biết đâu là giá trị trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Lean trước hết là phải hiểu được tất cả mọi hoạt động cần thiết để làm ra một sản phẩm cụ thể, sau đó tối ưu hóa toàn bộ quá trình từ góc nhìn của khách hàng. Quan điểm này rất quan trọng vì nó giúp nhận biết hoạt động nào thực sự tạo ra giá trị, hoạt động nào không tạo ra giá trị nhưng cần thiết và hoạt động nào không tạo ra giá trị cần phải loại bỏ.

Hoạt động tạo ra giá trị là những hoạt động mà khách hàng sẵn sàng trả tiền, ngược lại hoạt động không tạo ra giá trị là hoạt động không cần thiết để vận hành tổ chức và không đem lại lợi ích gì cho khách hàng. Những hoạt động này theo cách hiểu của Lean được gọi là lãng phí cần loại bỏ hoặc giảm thiểu.

Cũng theo chuyên gia, Lean có 5 nguyên tắc, trong đó, nguyên tắc 1: Loại bỏ lãng phí từ góc nhìn của khách hàng.

Nguyên tắc đầu tiên của sản xuất tinh gọn là loại bỏ lãng phí, bất cứ hoạt động nào không tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng cần tìm cách loại bỏ. Trong một quá trình tạo sản phẩm, giá trị chỉ được tạo ra nếu khách hàng chấp nhận trả tiền cho những hoạt động đó và tổ chức cần gia tăng giá trị thông qua chỉ sản xuất ra các sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đúng yêu cầu của khách hàng.

Quá trình tạo sản phẩm sử dụng các nguồn tài nguyên và lãng phí được sinh ra khi mà tài nguyên sử dụng nhiều hơn mức cần thiết khách hàng thực tế cần. Quan điểm và công cụ của Lean giúp mọi người trong tổ chức nâng cao nhận thức đồng thời đưa ra các quan điểm mới về xác định lãng phí, qua đó khai thác những cơ hội để giảm lãng phí.

Nguyên tắc 2: Xác định và lập sơ đồ chuỗi giá trị:

Chuỗi giá trị là tập hợp có thứ tự các hoạt động của mọi bộ phận trong tổ chức có liên quan đến quá trình cung cấp sản phẩm/dịch vụ, từ khâu đưa nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất cho đến khi thành sản phẩm được chuyển giao cho khách hàng. Quá trình phân tích toàn bộ dòng chảy của sản phẩm như vậy sẽ giúp phát hiện lãng phí và hoạt động không tạo giá trị. Dưới góc độ quan sát giá trị, mỗi hoạt động của quá trình sản xuất có thể được xếp vào một trong các dạng sau:

Hoạt động tạo ra giá trị: Là các hoạt động trực tiếp biến nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào để tạo ra đúng sản phẩm mà khách hàng yêu cầu và khách hàng sẵn sàng trả tiền cho những hoạt động đó.

Hoạt động không tạo ra giá trị: Là hoạt động không được yêu cầu hoặc không cần thiết để tạo ra sản phẩm mà khách hàng yêu cầu và khách hàng không sẵn sàng chi trả cho những hoạt động đó. Các hoạt động không tạo ra giá trị tiêu tốn tài nguyên và cần được loại bỏ hoặc giảm thiểu.

Hoạt động không tạo ra giá trị nhưng cần thiết: Là hoạt động mà khách hàng không chấp nhận trả tiền nhưng lại cần thiết để tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các hoạt động này khó có thể loại bỏ trong ngắn hạn, thông thường chỉ loại bỏ khi có sự thay đổi phương thức sản xuất hoặc thay đổi về năng lực quá trình.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp Lean (LERC), Vương quốc Anh chỉ ra rằng: Thông thường trong quá trình sản xuất chỉ có 5% hoạt động thực tế tạo ra giá trị gia tăng, 35% là hoạt động không tạo ra giá trị nhưng cần thiết và có đến 60% hoạt động không tạo ra giá trị. Việc loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị là cơ sở để cải tiến hoạt động của doanh nghiệp.

Nguyên tắc 3: Quá trình sản xuất liên tục:

Khi đã lập được sơ đồ chuỗi giá trị cho một sản phẩm cụ thể, các lãng phí sẽ từng bước được loại bỏ. Quá trình sản xuất sản phẩm sẽ là dòng chảy liên tục, không bị tắc nghẽn bởi bất kỳ lý do nào. Để đạt được điều này cần kết hợp một cách hài hòa giữa các công đoạn thủ công và thao tác của thiết bị, khi đó bán thành phẩm luôn được xử lý trơn tru giúp quá trình được sản xuất liên tục.

Nguyên tắc 4: Sản xuất kéo:

Với nguyên tắc này, hệ thống chỉ sản xuất khi có yêu cầu. Mỗi công đoạn sản xuất đều được “kéo” bởi công đoạn sau, vì vậy chỉ sản xuất khi công đoạn sau yêu cầu. Cơ chế kéo trong sản xuất có vai trò quyết định trong việc loại bỏ tồn kho không cần thiết của bán thành phẩm giữa các công đoạn sản xuất, nhờ đó giảm một cách đáng kể sai lỗi và lãng phí.

Nguyên tắc 5: Cải tiến liên tục:

Nỗ lực liên tục để đạt tới sự hoàn hảo là một phần trong yêu cầu khi áp dụng Lean. Trong quá trình triển khai các công cụ và phương pháp Lean, lãng phí ở tất cả khía cạnh lần lượt được phát hiện và loại bỏ. Lean là một phương pháp hữu hiệu để thực hiện hoạt động này.

Buổi đào tạo trực tuyến đã nhận rất nhiều câu hỏi các bạn sinh viên đặt ra và được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp một cách thỏa đáng.

Hà My – Kim Quý

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích