TP.HCM ra 7 giải pháp “cứu” chợ truyền thống

TP.HCM ra 7 giải pháp “cứu” chợ truyền thống

Ngoài việc hỗ trợ cải thiện trong phương thức quản lý, phát triển chợ, xây dựng, quảng bá thương hiệu chợ…, Sở Công Thương TP.HCM cũng sẽ tìm kiếm nguồn vốn vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi…

Vào những tháng cuối năm 2023, nhiều thương nhân tại các trung tâm thương mại, đặc biệt là các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM buôn bán ế ẩm, thậm chí hàng loạt thương nhân buộc phải đóng cửa sạp để cắt lỗ.

TP.HCM ra 7 giải pháp 'cứu' chợ truyền thống
Chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) vắng khách, nhiều quầy sạp phải đóng cửa. Ảnh: PV

Không ít thương nhân thông báo sang, chuyển nhượng sạp, nhưng chẳng ai đoái hoài, vì có buôn bán được đâu mà sang. Tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khiến nhiều thương nhân sống dở chết dở và đang cầu cứu.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh của chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các chợ truyền thống nắm bắt xu hướng đổi mới, nhu cầu tiêu dùng rất chậm. Đồng thời, hoạt động của chợ truyền thống đang gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh đến từ các điểm – khu vực kinh doanh tự phát nằm trải khắp địa bàn TP.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương đang phối hợp UBND các địa phương rà soát, phân tích nguyên nhân, đánh giá những khó khăn, vướng mắc; đánh giá hiệu quả của những giải pháp, điều chỉnh và lựa chọn giải pháp phù hợp để hỗ trợ đối với hoạt động của kênh phân phối truyền thống này; tìm những định hướng, giải pháp giúp chợ truyền thống có thể thích ứng, phát triển phù hợp.

Sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra 7 giải pháp nhằm giúp các chợ truyền thống tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, sở sẽ phối hợp UBND TP.Thủ Đức, các quận huyện rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các chợ; rà soát, sắp xếp, bố trí khu vực kinh doanh tại chợ; di dời, bố trí thương nhân, người kinh doanh tại các khu vực theo quy định.

Sở sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các chợ triển khai giải pháp tổ chức hoạt động phù hợp; cải thiện phương thức quản lý, phát triển chợ; phối hợp xây dựng, quảng bá thương hiệu chợ, phương pháp quản lý hàng hóa, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng… nhằm nâng cao mãi lực chợ.

Khuyến khích các giải pháp bán hàng qua những ứng dụng thương mại điện tử; áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động chợ; chú trọng giải pháp đa dạng hóa loại hình kinh doanh, dịch vụ.

Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng với chuyên đề phù hợp (dành cho đối tượng: đơn vị quản lý chợ truyền thống; thương nhân chợ truyền thống) nhằm góp phần cải thiện trong phương thức quản lý, phát triển chợ.

Rà soát, nắm bắt nhu cầu và triển khai giải pháp bổ trợ phù hợp đối với thương nhân chợ truyền thống; phối hợp với các tỉnh thành và các nhà sản xuất thực hiện kết nối, cung ứng hàng hóa trực tiếp cho thương nhân tại chợ truyền thống nhằm giảm bớt khâu trung gian, góp phần giảm giá thành sản phẩm hàng hóa tại chợ; phối hợp với các tổ chức ngân hàng để tìm kiếm nguồn vốn vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cho thương nhân tại chợ.

Tiếp tục tập trung các giải pháp nhằm tăng cường giải quyết dứt điểm những điểm, khu vực kinh doanh tự phát, không để tái phát sinh và phát sinh mới; tổ chức bố trí, sắp xếp các trường hợp mua bán tự phát vào kinh doanh tại chợ truyền thống còn trống trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng kêu gọi thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống thay đổi dịch vụ cung ứng cho khách hàng; nâng cao chất lượng phục vụ; đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nâng cao được sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường; chủ động tiếp cận kênh kinh doanh theo hình thức trực tuyến để bắt kịp xu thế của thị trường và nhu cầu của khách hàng…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích