Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trong cuộc đua điện toán đám mây

Thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang trở thành một trong những điểm sáng nổi bật của khu vực ASEAN, với hơn 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cả trong và ngoài nước.

Theo báo cáo mới nhất từ VNCDC (Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu), Việt Nam không chỉ thu hút sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các đối tác quốc tế. Những đại diện hàng đầu của ngành công nghiệp công nghệ tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT đã hiện đại hóa và phát triển các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và mang đến các dịch vụ đẳng cấp thế giới. Điều này đã giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin khẳng định mình có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các tên tuổi lớn quốc tế trong lĩnh vực điện toán đám mây.

Đại diện Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu (VNCDC) khẳng định: “Doanh nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam đã làm chủ công nghệ, tốc độ tăng trưởng tốt, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các Big Tech quốc tế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “lên mây” của doanh nghiệp trên lộ trình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số quan trọng của ASEAN”.

Theo báo cáo từ Research and Markets, dự kiến thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng CAGR là 10,68% trong giai đoạn 2022-2028, với giá trị dự kiến tăng từ 561 triệu USD năm 2022 lên 1.037 tỷ USD vào năm 2028. Mặc dù quy mô toàn thị trường đang mở rộng nhanh chóng, nhưng thị phần của các nhà cung cấp trong nước vẫn chiếm một phần rất khiêm tốn.

Theo đó, doanh thu từ 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam tăng lên và chiếm khoảng 17% và 17,6% quy mô toàn thị trường năm 2022 và 2023, thị phần này vẫn đặt ra những thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 15%/năm và liên tục nâng cấp hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ trung tâm dữ liệu. Sự mở rộng của thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng đột biến, đặc biệt là trong năm 2022, với quy mô thị trường gấp đôi so với năm trước đó, đạt 9.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu trong nước đến từ dịch vụ colocation (cho thuê chỗ) với tỷ lệ lên đến 86%, trong khi 14% còn lại là doanh thu từ dịch vụ hosting và các dịch vụ trung tâm dữ liệu khác. 

Trong khoảng thời gian đầy biến động của nền kinh tế thế giới, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam gặp phải thách thức từ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 do áp lực cắt giảm và tối ưu chi phí từ suy thoái kinh tế, tuy nhiên thị trường điện toán đám mây vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định ở mức 24,2%. Mặc dù đã có sự tiến bộ đáng kể từ các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, CMC và FPT, tuy nhiên để chiếm lĩnh thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng mạnh mẽ và đa dạng trong thời gian này vẫn phải duy trì được mức thị phần xấp xỉ 20%. Đồng thời, nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng và cung cấp các giải pháp sáng tạo có thể là chìa khóa để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần trong cuộc đua sôi động này.

Với sự tăng trưởng đáng kể trong thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị phần và đóng góp vào việc xây dựng Việt Nam thành một trong những trung tâm kỹ thuật số hàng đầu tại khu vực ASEAN. Điều quan trọng là duy trì sự đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh để vượt qua những thách thức và khai thác hết tiềm năng của thị trường ngày càng mở rộng này.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích