Nghiên cứu: Lỗ hổng tầng ozone đang có xu hướng mở rộng hơn nữa
Nghiên cứu: Lỗ hổng tầng ozone đang có xu hướng mở rộng hơn nữa
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học New Zealand, trong 20 năm gần đây, lỗ thủng tần Ozone ở Nam Cực đang có xu hướng ngày càng mở rộng và đáng báo động, chủ yếu do những tác động của biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo khoa học được công bố mới đây của các nhà nghiên cứu từ Đại học Otago, New Zealand cho biết, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực hiện có diện tích tối đa lên tới 26 triệu km2, gấp khoảng 3,4 lần diện tích đất liền Australia và lượng ozone trong lõi lỗ thủng đã giảm 26% kể từ năm 2004.
Phát hiện nói trên trái ngược với những đánh giá được tán thành rộng rãi trước đây về tình trạng tầng ozone, bao gồm cả một nghiên cứu gần đây được Liên hợp quốc hậu thuẫn cho rằng năm 2040 tầng ozone có thể trở về trạng thái trong những năm 1980.
Trước đó, nhiều người vẫn cho rằng, kể từ khi chlorofluorocarbons (CFC), loại hóa chất làm suy giảm tầng ozone bị cấm sản xuất vào năm 1987, lỗ thủng tầng ozone đã được phục hồi đáng kể và dự kiến sẽ phục hồi về mức trước những năm 1980 vào năm 2066. Nhưng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand mới đây lại chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại và có xu hướng ngày càng trầm trọng trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu và sự chậm chạp trong hành động giảm phát thải của con người.
Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Communications ngày 22/11, các nhà khoa học cho biết nồng độ ozone đã giảm 26% kể từ năm 2004 tại vị trí giữa lỗ hổng trên trong mùa Xuân.
Theo bà Hannah Kessenich, nhà nghiên cứu Đại học Otago, New Zealand – tác giả chính của báo cáo, kết quả nghiên cứu mới cho thấy xu hướng phục hồi không rõ ràng của lỗ thủng tầng Ozone trong 20 năm qua khi lượng Ozone ở hạ tầng bình lưu có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong khi ở những vĩ độ cao hơn, thuộc lớp giữa và trên của tầng bình lưu, lượng ozone lại giảm tới 26%.
Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã phân tích trạng thái của tầng ozone từ tháng 9 đến tháng 11 bằng một thiết bị vệ tinh.
Họ đã sử dụng các dữ liệu ghi nhận trong quá khứ để so sánh trạng thái cũng như những thay đổi nồng độ ozone, đồng thời đo lường các dấu hiệu phục hồi tầng ozone. Sau đó, họ tìm cách xác định nguyên nhân gây ra những thay đổi đó.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng sự suy giảm ozone và lỗ hổng sâu hơn là kết quả của những thay đổi trong xoáy cực Nam Cực, một vòng xoáy rộng lớn của áp suất thấp và không khí rất lạnh ở trên cao tại Nam Cực.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino và La Nina, khiến xoáy cực trong tầng bình lưu có xu hướng mạnh hơn và lạnh hơn bình thường, khiến lượng ozone giảm mạnh. Ngoài ra, các sự kiện như cháy rừng tại Úc vào năm 2019, phun trào núi lửa trên vành đai lửa Thái Bình Dương những năm gần đây, đặc biệt là vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga năm 2022, được cho là đã góp phần tạo ra những “lỗ thủng tầng Ozone” lớn hơn bình thường ở Nam Cực trong những năm gần đây.
Nhà khoa học khí quyển của Đại học New South Wales, Australia, Martin Jucker đánh giá, đây là một nghiên cứu quan trọng gióng lên hồi chuông cảnh báo các chính phủ phải hành động tích cực hơn nữa vì môi trường. Bầu khí quyển là một hệ thống phức tạp và nhiều yếu tố có thể dẫn đến những thay đổi về độ dày của tầng Ozone, trong đó sự tác động của ô nhiễm môi trường do con người tạo ra đóng vai trò chủ yếu đối với lỗ thủng tầng Ozone.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị