Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/11/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/11/2023

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/11/2023. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 23/11/2023 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở miền Bắc

Sáng nay (23/11), hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air ghi nhận số lượng điểm ô nhiễm ở ngưỡng tím ở Hà Nội nhiều hơn hôm nay.

Các điểm đo tại Chùa Láng (Đống Đa), chung cư Văn phòng Quốc hội (Nam Từ Liêm), trường mầm non GCA Ecolife (Nam Từ Liêm), Đội Cấn (Ba Đình), Trâu Quỳ (Gia Lâm) đều ở ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người.

Đáng lưu ý, tại Hà Nội, hai điểm đo ở Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy) lên ngưỡng nguy hại với chỉ số chất lượng không khí AQI vượt mức 300, ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: Internet.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các điểm đo của PAM Air ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí phổ biến ở ngưỡng tím và nâu.

Thành phố Nam Định và huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng nâu trong sáng nay. Khu vực Thái Thụy của Thái Bình, huyện Vĩnh Bảo của Hải Phòng cũng ở ngưỡng nâu.

Các điểm đo khác ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng phổ biến ở ngưỡng tím.

Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ và tím. 

Tại trang theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ bao trùm là ngưỡng tím. Thông tin tại trang nhận định đợt ô nhiễm không khí trên còn kéo dài trong nhiều ngày tới ở các tỉnh miền Bắc, do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ô nhiễm nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra vào buổi sáng, từ trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được xác định bởi các nguồn từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để có biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Miền Trung sắp có mưa rất lớn, biển Đông xuất hiện áp thấp

Tin trên PLO, trưa 23/11, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin cảnh báo về một đợt mưa lớn ở miền Trung sắp diễn ra.

Cụ thể, ông Tuấn cho biết sắp có một khối không khí lạnh di chuyển từ phía bắc xuống phía nam. Khối không khí lạnh này kết hợp với gió đông sẽ gây mưa lớn ở miền Trung từ khoảng gần sáng ngày 25 đến ngày 27-11.

Theo đó, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, vùng tâm mưa có nơi trên 600 mm/đợt, thậm chí có thể hơn.

tm-img-alt
Mưa lớn từ 13 đến 17-11 gây ngập lụt diện rộng ở Huế.

Ông Tuấn nhận định, đợt mưa lớn diện rộng lần này ít khả năng xảy ra như đợt mưa từ 13 đến 17-11 trước đó. Tuy nhiên do mưa xảy ra trên diện rộng, cục bộ có nơi lượng mưa đặc biệt to nên vẫn cần đề phòng sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi, ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, tàu thuyền ven biển và vùng nuôi trồng thủy sản cần đề phòng gió đông bắc mạnh gây sóng lớn, nước dâng.

Theo ông Tuấn sáng nay, trên vùng biển phía nam biển Đông xuất hiện một vùng áp thấp. Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

“Hiện tại thời tiết trên các vùng biển đang rất xấu. Do không khí lạnh tăng cường nên từ chiều tối và đêm nay vùng biển phía bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, gây biển động rất mạnh, sóng biển cao 3-5 m. Khu vực phía bắc, giữa biển Đông, phía tây quần đảo Trường Sa cũng có gió mạnh 5-6, giật cấp 7-8, có khả năng gây sóng lớn 2-4 m”- ông Tuấn cảnh báo.

Nam Từ Liêm (Hà Nội): Rác thải “bủa vây” khu dân cư

Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến phố Cương Kiên xuất hiện rất nhiều bãi rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng được chất thành đống. Đặc biệt hơn khu vực đối diện với Chợ trung tâm thương mại – dịch vụ Trung Văn, rác thải xây dựng, rác sinh hoạt được đổ chất đống tại khu vực đất nông nghiệp, đất thuộc dự án.

370196183_731927668807703_8744187390262336773_n.jpg
Các loại rác thải được vận chuyển về khu vực này để tập kết

Chị Lê Thị Hồng, người dân sinh sống tại phường Mễ Trì, cho biết: Những đống rác này là tự phát và tồn tại ở đây một thời gian dài, rác thải chủ yếu là các gia đình họ chuyển nhà đi, còn lại phế thải do nhiều người lạ đổ trộm ra đây, họ đổ về đêm khuya, ngoài ra người dân còn ngang nhiên họp chợ và thẳng tay đổ rác bừa bãi ra môi trường.

Ông Trần Văn Chung, một người dân ở đây bức xúc: Khu đất rộng hàng nghìn mét vuông như thế này mà mới chỉ ít tháng trở lại đây rất nhiều rác thải xây dựng được đổ tại đây nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.

Đề nghị, UBND quận Nam Từ Liêm và phường Mễ Trì sớm giải quyết vụ việc để người dân không còn bức xúc.

Sơn La phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường niên vụ nông sản 2023 – 2024

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, qua rà soát tại các huyện, thành phố, niên vụ năm nay, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 32.000 tấn cà phê nhân; sản lượng mía ước đạt gần 700.000 tấn; sản lượng sắn ước đạt trên 530.000 tấn; sản lượng dong giềng hơn 34.000 tấn.

a1.jpeg
Đoàn liên ngành tỉnh Sơn La giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại Nhà máy Mía đường Sơn La.

Chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản, kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1998/QĐ-UBND, thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở chế biến nông sản niên vụ 2023 – 2024. Trên cơ sở đó, Tổ trưởng Tổ công tác đã thành lập 3 Đoàn giám sát, trong đó, Đoàn số 1 giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; Đoàn số 2 giám sát với 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 1 cơ sở mía đường; Đoàn số 3 giám sát 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn.

Hiện nay, 4 cơ sở chế biến cà phê, 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn đã đi vào hoạt động sản xuất. Các đoàn giám sát đã tổ chức giám sát, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định. Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9/2023 đến hết tháng 5/2024.

Tại các địa phương, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn triển khai công tác bảo vệ môi trường với hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Duy trì, kiện toàn các Đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện để kiểm tra, giám sát với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn quản lý.

img_4697.jpeg
Hoạt động giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất từ tháng 9/2023 đến hết tháng 5/2024.

Là địa phương có sản lượng nông sản lớn, năm nay, sản lượng cà phê quả tươi trên địa bàn huyện Mai Sơn ước đạt hơn 95.000 tấn; có 145 hộ đăng ký sơ chế cà phê quả tươi tại 7 xã gồm: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Lương, Nà Ớt, Chiềng Chung.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2023-2024. Đến nay, đa số các cơ sở chưa hoạt động sơ chế cà phê với lý do chất lượng hạt cà phê không đạt, giá cà phê quả tươi cao, sơ chế thua lỗ; một số hộ tại xã Chiềng Ban, Chiềng Mung có thu mua về sơ chế nhưng không thường xuyên; một số hộ sơ chế cà phê của gia đình, cơ bản nước thải được thu gom, lưu chứa tại các hồ chứa. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng lén xả nước thải ra rãnh, mương thoát nước chung.

41 điểm sạt lở trên đường biên giới Hương Khê chưa được khắc phục

Báo Hà Tĩnh đưa tin, các đợt mưa lũ gần đây gây sạt lở 41 điểm trên 2 tuyến đường giao thông ở khu vực biên giới huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Hiện, sự cố vẫn chưa được khắc phục.

Qua 2 đợt mưa lũ lớn trong tháng 10 vừa qua, tỉnh lộ ĐT.553 đoạn Km 70+000 đến Km 82+977 từ xã biên giới Hương Lâm vào Đồn Biên phòng Bản Giàng (Hương Vĩnh) bị sạt lở 29 điểm lớn nhỏ, trong đó có nhiều đoạn khá nghiêm trọng. Sau các đợt thiên tai, đơn vị quản lý là Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh phối hợp cùng chính quyền địa phương khắc phục sơ bộ để tạm thời thông tuyến.

tm-img-alt
Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh khắc phục sự cố sạt lở ban đầu cách đây 25 ngày.

Tuy nhiên, các điểm sạt lở ở 13 km thuộc đoạn cuối của tuyến ĐT553 này hiện chưa được khắc phục triệt để. Nhiều đống đất đá đang nằm trên đường (phía mái taluy dương) chưa được thu dọn, nhiều đoạn taluy âm sụt lún, những điểm sạt lở khuất tầm nhìn hay khúc cua gấp vẫn nguyên hiện trạng.

Tuyến đường tuần tra dài khoảng 9 km (thuộc xã Hương Vĩnh) nối tiếp với ĐT.553 tại điểm Km 82+977 lên cột mốc 511/1 cũng có 12 điểm sạt lở. Trong số đó có nhiều điểm đặc biệt nghiêm trọng, phía bên mái tuluy âm sạt lở dốc đứng sâu hàng chục mét, phía mái tuluy dương cây cối đổ ngổn ngang, đất đá phủ kín hết mặt đường.

Việc tuyến đường tuần tra biên giới do Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh quản lý này bị sạt lở đã gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ biên giới, bảo vệ rừng cũng như đi lại của người dân.

Ngay sau khi xẩy ra sự cố, chúng tôi đã kiểm tra hiện trường, báo cáo Bộ Chỉ huy và điều động cán bộ, chiến sỹ đi khắc phục ban đầu để xe máy, người đi bộ, gia súc có thể đi lại. Tuy nhiên, do khối lượng sạt lở lớn, nhiều vị trí nguy hiểm, bộ đội không thể làm nên cần phải có máy móc thực hiện trong 7 – 10 ngày và nhiều kinh phí sửa chữa. Hiện, chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên và nếu thời tiết thuận lợi thì sẽ bắt đầu khắc phục sự cố trong những ngày tới”.

Lũ lụt hoành hành tại Philippines và Malaysia gây nhiều thiệt hại

Tại Bắc Samar – một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhiều thị trấn và làng mạc đã chìm trong nước lũ sau khi mưa lớn kéo dài một tuần qua. Lực lượng cứu hộ tại tỉnh đã dùng thuyền cao su và dây thừng để sơ tán người dân bị mắc kẹt trong những ngôi nhà chìm trong nước lũ. 

Trong vòng 24 giờ tính đến hết sáng 21/11, thị trấn Catarman đã ghi nhận lượng mưa cao hơn mức trung bình của một tháng. Theo chuyên gia dự báo thời tiết Benison Estareja, thị trấn này ghi nhận lượng mưa hằng tháng khoảng 450 mm, song riêng ngày 21/11, lượng mưa là 619 mm. Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết trên 43.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa và có thể trở về khi nước lũ rút. 

Nạn nhân thiệt mạng là một phụ nữ ở thị trấn Pambujan thuộc tỉnh Bắc Samar, do bị cây đổ đè trúng. 
Nhiều con đường tại thị trấn chìm trong nước lũ bùn. Trong khi đó, nước lũ tràn cả vào các trung tâm mua sắm, tòa nhà thương mại và làm ngập cả mái nhà 2 tầng. Trong khi đó, mực nước sông vẫn dâng cao. 

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ Philippines sơ tán người dân. (Nguồn: AFP)

Philippines hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm, trong đó có những siêu bão với sức tàn phá lớn. Năm 2013, siêu bão Haiyan đã khiến trên 6.000 người thiệt mạng, trên 1.000 người mất tích và trên 4 triệu người bị mất nhà cửa.

Cùng ngày, lũ lụt do mưa lớn tại bang duyên hải Terengganu, phía Đông của Malaysia, đã khiến trên 3.900 người phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Những người này hiện đang trú tạm thời tại 30 trung tâm ứng phó và cứu trợ lũ lụt. Mưa lớn cũng đang hoành hành tại bang lân cận Kelantan, khiến 370 người phải đi sơ tán. 

Cục Khí tượng Malaysia đã đưa ra cảnh báo mưa lớn ở các bang miền Bắc và khu vực ven biển miền Đông của Malaysia. Quốc gia Đông Nam Á này thường trải qua mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, kèm theo đặc điểm là gió mạnh và biển động.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích