Xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non
Bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan đến đông đảo người dân, người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHXH lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH, để BHXH từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) kiến nghị bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại. Ảnh: Quốc hội |
Về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đại biểu cho rằng, tại điểm b khoản 1 Điều 64 có quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt, trong danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên theo đại biểu, giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này, do đó tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại điểm a dự thảo Luật.
Theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp, vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động. Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Điểm c khoản 1, dự thảo Luật có quy định giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt, do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt, Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64.
Quy định phù hợp để thu hẹp khoảng cách giới
Cùng quan tâm tới quy định hưởng chính sách BHXH, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai giới. Những năm gần đây, chênh lệch đang dần tăng lên, khoảng cách này không tự điều chỉnh được. Dù giai đoạn mới tham gia thị trường lao động, phụ nữ tham gia BHXH khá tốt, đạt 58% ở độ tuổi 26, điều này chứng tỏ phụ nữ sớm quan tâm đến hệ thống BHXH.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (Đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng vẫn còn khoảng cách lớn giữa hai giới. Ảnh: Quốc hội |
Tuy nhiên khoảng cách giới trong thụ hưởng chế độ BHXH càng lớn xuất phát từ việc nhiều phụ nữ rút BHXH trong giai đoạn mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ. Đại biểu cho rằng, cần có những chính sách khác biệt, để tạo điều kiện hỗ trợ cho phụ nữ khỏa lấp những khoảng trống khác biệt giới, nhằm rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp lồng ghép giới một cách thực chất, hiệu quả trong dự thảo Luật.
Về mức hưởng trợ cấp thai sản, dự thảo Luật quy định, lao động nữ khi sinh con, lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho một con mới sinh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức trợ cấp này, đồng thời cần cân nhắc để bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.
Cần công khai, minh bạch Quỹ BHXH
Khoản 4 Điều 6 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc Quỹ BHXH, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn tỉnh Đắk Lắk), cho rằng, dự thảo Luật chưa quy định rõ cơ chế để Quỹ được công khai, minh bạch và trách nhiệm của cơ quan BHXH vì Quỹ BHXH chủ yếu từ nguồn thu nộp của người sử dụng lao động và người lao động. Hai đối tượng này nắm bắt rất ít thông tin về nguồn Quỹ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH ngay trong Luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quốc hội |
Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện quy định tại Điều 30, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo bổ sung hệ số chênh lệch bảo lưu làm căn cứ đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau này. Vì hiện nay có những trường hợp đang công tác trong ngành lực lượng vũ trang và một số nghề nghiệp khác sau khi nghỉ hưu chuyển sang ngành dân sự, nếu không có quy định cụ thể thì trong Luật sẽ không có hệ số chênh lệch để bảo lưu, ảnh hưởng đến quyền lợi các trường hợp này.
Liên quan đến vấn đề dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị dự thảo không nên quy định cụm từ “tối đa” mà theo đó quy định số lượng ngày nghỉ cụ thể là 10 ngày, 7 ngày hoặc 5 ngày. Tương tự vấn đề này, đại biểu cho rằng, cũng nên áp dụng luôn cho lao động nữ khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản.
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Quan tâm tới quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn), cho biết, Điều 20 dự thảo Luật BHXH quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Quốc hội |
Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật BHXH quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà người lao động tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động….
Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, và sửa lại như sau: “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác theo quy định của Chính phủ”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô