Đoàn công tác Đắk Lắk làm việc với tỉnh trưởng Chanthaburi, đây là “thủ phủ sầu riêng” Thái Lan
Trong 5 ngày từ ngày 20-24/11, Đoàn công tác tỉnh Đắk Lắk do ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN và PTNT Đắk Lắk làm trưởng đoàn, cùng Hiệp hội cây ăn quả Đắk Lắk; Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk và 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đã thăm và làm việc tại Thái Lan.
Đoàn đến thăm và làm việc với tại tỉnh Chanthaburi, tiếp và làm việc với Đoàn có Ông Monsit Paisarntanawa – Tỉnh trưởng và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh Chanthaburi.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN và PTNT Đắk Lắk thay mặt đoàn công tác giới thiệu và trao đổi với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Chanthaburi về tình hình phát triển nông nghiệp của hai địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển bền vững, hiệu quả ngành hàng sầu riêng như: Chính sách hỗ trợ sản xuất giống sầu riêng; Chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả; việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sầu riêng…
Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sầu riêng; Các vấn đề về kỹ thuật như trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; kinh nghiệm quản lý chất lượng trái cây xuất khẩu….
Hai bên cũng đã thảo luận và cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển ngành hàng sầu riêng ổn định bền vững, tạo hiệu ứng và hiệu quả tích cực cho mỗi bên trên thị trường quốc tế. Hai tỉnh đã cử đại diện làm đầu mối để tiếp tục bản thảo sâu về những vấn đề hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Phía tỉnh Chanthaburi cũng đã mời các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk tham dự các sự kiện quan trọng như: Triển lãm, lễ hội trái cây, công nghệ sản xuất chế biến trong nông nghiệp của Thái Lan và tỉnh Chanthaburi trong năm 2024.
Tỉnh Chanthaburi là một tỉnh nằm ở miền Đông Thái Lan, cách thủ đô Băng Cốc 245 km, diện tích tự nhiên 6338 km2. Dân số khoảng 550.000 người, nông nghiệp được xem là thế mạnh bởi điều kiện khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, giàu tài nguyên thiên nhiên. Diện tích canh tác nông nghiệp 365.600 ha chiếm 58% diện tích toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là phát triển cây ăn quả chất lượng cao, an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong năm 2023, ước tính lượng trái cây thu hoạch 1.000.000 tấn, giá trị xuất khẩu 100 tỷ bạt, trong đó sầu riêng là trái cây chủ lực của tỉnh với diện tích trên 40.000 ha, sản lượng 550.000 ngàn tấn (chiếm khoảng 50% sản lượng sầu riêng của Thái Lan) trị giá tương đương 86 tỷ bạt, nhãn 387.000 tấn trị giá tương đương 8,9 tỷ bạt, măng cụt 160.000 tấn trị giá tương đương 7,6 tỷ bạt. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 80 tỷ bạt và đứng đầu Thái Lan, được coi là kinh đô trái cây của Thái Lan.
Trước đó, chiều ngày 20/11, Đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp tỉnh Kanchannaburi, thăm mô hình cây Măng Tây sử dụng giống mới KC417 – 3 có năng suất, chất lượng cao và có khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo chương trình công tác, Đoàn sẽ tiếp tục tham quan học tập một số mô hình: Cơ sở chế biến sầu riêng; vườn mẫu sầu riêng; vườn Suphatraland mô hình trồng cây kết hợp du lịch sinh thái điển hình và thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Theo Dân Việt
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu