Đại biểu băn khoăn bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến một bộ phận lao động bị “nghèo hóa”

Hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố cho thấy dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Trung ương đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng đảm bảo ngân sách cho các đối tượng này.

Đại biểu băn khoăn bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến một bộ phận lao động bị “nghèo hóa”
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Quốc hội

Về điều kiện hưởng lương hưu, đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định “cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%”. Theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng, vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, cho nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.

Về BHXH 1 lần, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng cần có giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Vì vậy, đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội để thành lập Quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đại biểu băn khoăn bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến một bộ phận lao động bị “nghèo hóa”
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Người lao động được lựa chọn

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) tán thành việc mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cho rằng đây là một bước mới so với luật hiện hành. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn rằng quy định này đã thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 28 hay chưa thì cần làm rõ, đồng thời cần có những chế tài để đảm bảo tính khả thi.

Về BHXH một lần, nếu áp dụng phương án 1, đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình. Ở phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng. Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa.

Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.

Xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang) phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.

Đại biểu băn khoăn bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến một bộ phận lao động bị “nghèo hóa”
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: Khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Đồng thời khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức Công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Đại biểu băn khoăn bỏ mức lương hưu tối thiểu sẽ khiến một bộ phận lao động bị “nghèo hóa”
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội

Cần có giải pháp đồng bộ

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn tỉnh Quảng Bình) đề nghị đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý BHXH, đầu tư quỹ BHXH, khả năng cân đối Quỹ BHXH.

Góp ý về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga băn khoăn là tính khả thi trong tổ chức thực hiện và đề nghị ngoài thủ tục hành chính đơn giản thì Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích bước đầu bù đắp một phần đối với các đối tượng này. Đồng thời, có chính sách bảo hiểm bắt buộc linh hoạt theo nguyên tắc đóng ít – hưởng ít, đóng nhiều – hưởng nhiều để tạo sự lựa chọn và sự hấp dẫn cho người tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Về BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút bảo hiểm một lần. Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích