Chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm vượt mức quy định gây hại cho sức khỏe
Theo dự báo chỉ số không khí (AQI) Hà Nội của IQ Air, sáng nay 22/11 mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô ở mức 183 US AQI, chất gây ô nhiễm chính P.M2.5. Chất lượng không khí Hà Nội không lành mạnh, rất có hại cho sức khỏe.
Theo đó, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội tại thời điểm đo cao gấp 23.5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ.
Điển hình một số điểm đo tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím, đỏ như: Quảng Bá (207), Hoàng Quốc Việt (194), Khu đô thị Ciputra (192), Xuân Diệu/Quảng An (187), Mipec Long Biên (185), Cự Khôi – Long Biên (181), Trần Văn Cẩn (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm – 165).
Khi ô nhiễm không khí, các nhóm đối tượng nhạy cảm sẽ cảm nhận được tác động đến sức khỏe ngay lập tức. Cần đóng các cửa sổ để tránh không khí ô nhiễm đồng thời nên giảm hoạt động ngoài trời. Chất lượng không khí tốt nằm trong khoảng từ 0 đến 50, trong khi các phép đo trên 300 được coi là nguy hiểm.
Không chỉ tại Hà Nội, nhiều tỉnh ở miền Bắc cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng với hầu hết các điểm đo ở ngưỡng đỏ và tím.
Thành phố Nam Định sáng nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 218 (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người). Hai điểm đo khác tại Hải Hậu và Nam Trực cũng ghi nhận chất lượng không khí có hại cho sức khỏe con người.
Tại Bình Lục (Hà Nam), Mỹ Hào (Hưng Yên), Thái Thụy (Thái Bình) hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chỉ số ô nhiễm không khí cũng ở ngưỡng có hại. Thành phố Việt Trì, Thái Nguyên hay Bắc Ninh cũng là điểm nóng ô nhiễm không khí.
Theo báo cáo môi trường quốc gia 2016-2020, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là nguyên nhân chính có trong không khí.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.
Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt… Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.
Vì vậy, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Theo Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quôc gia về chất lượng không khí Quy chuẩn trên quy định về quản lý: Việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng không khí và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Việc quan trắc chất lượng không khí định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp. Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT cũng quy định giá trị giới hạn tối đa của các thông số cơ bản trong không khí xung quanh: Về thông số S02 trung bình 1 giờ là 350, 24h là 125, trung bình năm là 50; C0 trung bình 1 giờ là 30.000; 8 giờ là 10.000; Đối với thông số N02 trung bình 1 giờ là 200, 24 giờ là 100, trung bình năm là 40; Về 03 trung bình 1 giờ là 200, 8 giờ là 120; Tổng bụi lơ lửng 1 giờ là 300, 24 giờ là 200, trung bình năm là 100; Bụi PM 10 thì 24 giờ là 100, trung bình năm 50; Bụi PM2,5 thì 24 giờ là 50, trung bình năm là 25. Về giá trị giới hạn tối đa của một số chất độc hại trong không khí xung quanh: Chì và các hợp chất thời gian trung bình là 24 giờ, giá trị giới hạn là 1,5; Arsenic và các hợp chất thời gian trung bình là 1 giờ, giá trị giới hạn là 0,03; Arse Trihydride thời gian trung bình là 1 giờ, giấ trị giới hạn là 0,3; HCI thời gian trung bình là 24 giờ, giá trị giới hạn là 60… |
An Dương (T/h)