Định vị thương hiệu Thành phố Sáng tạo Hà Nội

Định vị thương hiệu Thành phố Sáng tạo Hà Nội

Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là cơ hội lớn để Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

4 năm qua, Thành phố đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới và tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để củng cố vị thế, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo.

Nguồn lực sáng tạo Hà Nội

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.

Sau khi nộp hồ sơ ứng cử vào tháng 7-2019, với nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á, tháng 10/2019, Hà Nội chính thức được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo”.

Nằm trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá bản địa với các nền văn hoá Đông – Tây, kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn của đô thị sáng tạo Thăng Long ngàn năm tuổi, Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nền công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Sự sáng tạo nằm trong hạ tầng kiến trúc đô thị đến hạ tầng văn hóa, với 5.922 di tích lịch sử – văn hoá và mạng lưới 1.350 làng nghề khác nhau… Tiềm năng sáng tạo của Hà Nội luôn sẵn sàng để được khơi nguồn, tạo nên những bản sắc riêng có để Hà Nội lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Ảnh: Di tích lịch sử Bốt Hàng Đậu (Nguồn: VinWonder)
Ảnh: Di tích lịch sử Bốt Hàng Đậu (Nguồn: VinWonder)
Ảnh: Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử (Nguồn: Tác phẩm “Lặng" đạt giải Nhất cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo trẻ Hà Nội Rethink)
Ảnh: Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử (Nguồn: Tác phẩm “Lặng” đạt giải Nhất cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo trẻ Hà Nội Rethink)

Định vị thương hiệu Hà Nội

Trong bài phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội – Thành phố sáng tạo”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc trở thành một thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội. Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Sau 4 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới, Hà Nội đã bước đầu biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO. Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo”, như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…

Hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội

Trên thực tế, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động huy động và thúc đẩy sự đóng góp của đông đảo người dân, đặc biệt là người trẻ vào phát triển tiềm năng sáng tạo, thực hiện hoá các công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại.

Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa – nghệ thuật, đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám; không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh – Splendora…

Ảnh: Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt
Ảnh: Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt

Nỗ lực trở thành “vườn ươm” cho những nhân tài sáng tạo, mở rộng độ tuổi và nâng cao chất lượng cho các nhà sáng tạo, thành phố cũng xây dựng Mạng lưới các Nhà Thiết kế Sáng tạo thông qua việc tổ chức đa dạng các cuộc thi sáng tạo trong các lĩnh vực: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”, các cuộc thi truyền thông tạo ảnh hưởng lớn như Nhà Truyền thông tài ba IC Master với chủ đề “Hà Nội – Hành trình sáng tạo”, chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội, cuộc thi “Nhiếp ảnh sáng tạo trẻ Hà Nội Rethink”…

Ảnh: Tác phẩm 'Hà Nội rong' của Đặng Thái Tuấn đoạt giải nhất cuộc thi vẽ minh họa (Nguồn: UNESCO Office in Viet Nam)
Ảnh: Tác phẩm ‘Hà Nội rong’ của Đặng Thái Tuấn đoạt giải nhất cuộc thi vẽ minh họa (Nguồn: UNESCO Office in Viet Nam)

Việc tổ chức thành công Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, phát triển thành Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2022 và ấn định đây là sự kiện thường niên đã đóng góp một phần chính yếu vào việc xây dựng và phát triển mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối đa dạng các nguồn lực đồng hành, đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố. Năm 2023, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về cả không gian, thời gian tổ chức và số lượng, sự đa dạng các hoạt động, sự kiện.

Ảnh: Ấn tượng Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 (Nguồn: Báo Đầu tư)
Ảnh: Ấn tượng Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022 (Nguồn: Báo Đầu tư)

“Đánh thức” di sản văn hoá Hà Nội

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề “Dòng chảy” kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo, sẽ diễn ra từ ngày 17- 26/11/2023, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lễ hội năm nay tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; được thể hiện đa dạng qua hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo – tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo

Với định hướng “Chuyển đổi di sản công nghiệp thành Tổ hợp Văn hóa sáng tạo”, lễ hội năm nay được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân Hà Nội trải nghiệm mới “đánh thức” các di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc. Lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác như Bốt nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên , Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên..… đã được các kiến trúc sư, nghệ sỹ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Các hoạt động của Lễ hội năm nay sẽ đặt tiền đề biến những Di sản Công nghiệp trở thành những các không gian sáng tạo trong thời gian tới, tạo ra các không gian sáng tạo có ý nghĩa lịch sử, đặt sự sáng tạo văn hoá trong dòng chảy giao thoa thời gian và thế hệ, nơi các nghệ sĩ và người dân ở mọi lứa tuổi khác nhau sẽ có cơ hội gặp nhau ở niềm tha thiết bảo tồn và phát huy những giá trị riêng có của văn hoá Hà Nội.

Trở thành “Thành phố sáng tạo” là cơ hội để Hà Nội bắt kịp xu thế toàn cầu, đổi mới theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo phát triển bền vững, trong đó lấy nền tảng di sản, các tài năng trẻ và tư duy thiết kế làm điểm tựa. Tương lai phát triển thành phố sáng tạo của Hà Nội kỳ vọng sẽ có những bước đột phá mới được thực hiện hoá bởi những nhà sáng tạo sẽ quy tụ và được truyền cảm hứng bởi Lễ Hội Thiết kế sáng tạo 2023, đây chính là nguồn lực quý giá để khơi nguồn sáng tạo của thủ đô, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trung tâm sáng tạo dẫn đầu Đông Nam Á.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 danh nghĩa tổ chức bởi UBND TP Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhà sáng tạo, nghệ sỹ… phối hợp tổ chức.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích