Châu Âu chi 800 triệu euro để chuẩn bị thành lập ‘Ngân hàng Hydro’

Châu Âu chi 800 triệu euro để chuẩn bị thành lập ‘Ngân hàng Hydro’

Ủy ban châu Âu thông báo sẽ huy động 800 triệu euro để chuẩn bị cho việc thành lập Ngân hàng Hydro xanh, nhằm trợ cấp cho các dự án phát triển hydro xanh và thúc đẩy việc sử dụng hydro xanh trong lĩnh vực công nghiệp.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây cho biết, sẽ thành lập “Ngân hàng hydro xanh” đầu tiên trên thế giới trong tuần này. “Ngân hàng hydro xanh” của châu Âu sẽ được cấp số vốn ban đầu là 800 triệu euro từ ngân sách chung của Liên minh châu Âu (EU), để tài trợ cho các dự án phát triển và sử dụng hydro xanh trong lĩnh vực công nghiệp. Ngân hàng hydro cũng có thể sẽ tài trợ kết hợp từ các quỹ châu Âu, nguồn lực từ các quốc gia thành viên cũng như sự tham gia của các nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Tính đến năm 2022, hydro xanh mới chỉ chiếm chưa đến 2% tổng năng lượng tiêu thụ tại châu Âu. Hydro xanh cũng mới chỉ được sử dụng hạn chế trong sản xuất hóa chất như nhựa hay phân bón. Ưu tiên của EC là phát triển mạnh hydro xanh với mục tiêu sản xuất được 10 triệu tấn vào năm 2030, cũng như nhập khẩu một số lượng tương đương để thúc đẩy xu hướng sử dụng năng lượng xanh này.

Hydro xanh được kỳ vọng có thể góp phần giải quyết điểm yếu về năng lượng của EU, đồng thời sẽ là nhân tố chủ chốt trong quá trình phi carbon hóa, giúp khối này đạt mục tiêu trung hòa khí phát thải nhà kính vào năm 2050.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Phát biểu tại tuần lễ Hydro xanh đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, Phó chủ tịch EC, ông Maroš Šefčovič nhấn mạnh, mục tiêu của EU là dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng hydro xanh.

“Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng hygro xanh để thay thế dần các nhiên liệu hóa thạch, sản xuất thép với lượng khí thải các-bon rất thấp hoặc bằng 0 cũng như sản xuất ô tô, xe buýt, xe lửa, thậm chí cả máy bay và thuyền chạy bằng hydro xanh, loại năng lượng không gây ô nhiễm”, ông Maroš Šefčovič nói.

EC cho biết, sẽ có đánh giá và công bố về lộ trình hydro xanh của mỗi quốc gia thành viên vào cuối năm 2023, cũng như dự án tham vọng thành lập một thị trường hydro xanh vào năm 2030. Hiện một số dự án cơ sở hạ tầng hydro xanh đáng chú ý đang được thúc đẩy tại châu Âu, đó là xây dựng đường ống ngầm dài gần 400km, nằm dưới biển Bắc để vận chuyển hydro xanh giữa Anh và Đức; hay một dự án tương tự trị giá hơn 2,1 tỷ euro kết nối giữa thành phố Barcelona của Tây Ban Nha với thành phố Marseille của Pháp.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích