Quốc hội thảo luận về tiếp công dân, xử lý đơn thư giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.
Qua nghiên cứu, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: Về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường…
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo. Ảnh: Quốc hội |
Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
Đánh giá chung, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết; nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH. Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết. Việc thực hiện chế độ báo cáo công tác dân nguyện của một số Đoàn ĐBQH chưa bảo đảm thời gian theo quy định…
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội |
Đối với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc và có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và thực hiện có hiệu quả, như: Kiến nghị về hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng đã được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu và bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) để khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc chấp hành quy định tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện, một số Bộ, ngành chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân, việc ủy quyền cho cấp phó còn khá phổ biến. Việc thực hiện đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đối với vụ việc cụ thể chậm được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, hoặc cung cấp không đầy đủ theo yêu cầu mặc dù đã nhiều lần đôn đốc…
Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2023 về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, trong đó cần quan tâm đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các kiến nghị hoàn thiện thể chế đã được đề cập cụ thể trong Nghị quyết.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý.
Tăng cường công tác thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo Bộ, ngành Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết các đơn nhận được trong kỳ báo cáo và thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số vụ việc cụ thể được đề cập tại Báo cáo kỳ trước nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan Tòa án và cơ quan Kiểm sát trong các hoạt động tố tung dân sự, tố tụng hành chính; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm.
Đối với 75 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Tòa án; 43 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Viện kiểm sát , đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát theo thẩm quyền quan tâm giải quyết để kịp thời thông tin, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và công dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô