Đại biểu đề xuất cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng
Cần bảo đảm một môi trường mạng lành mạnh, an toàn
Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội. Đại biểu cho biết, lực lượng công an xã đã được xây dựng, củng cố, góp phần làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa tội phạm ngay từ địa bàn, cơ sở.
Đại biểu đề nghị Bộ Công an phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại, hạn chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên họp |
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tình hình vẫn chưa thực sự đáng yên tâm. Vẫn còn nhiều tình trạng bạo lực mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả. Mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, thu thập tin tức, trao đổi, giải trí. Chúng ta cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh.
Theo Điều 30 Luật An ninh mạng, chúng ta đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Trên thực tế, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên lực lượng này cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý một cách thích đáng các loại hình tội phạm trên không gian mạng. Đại biểu cũng cho rằng, có thể cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.
Cần có giải pháp căn cơ ngăn chặn tội phạm ma túy
Qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp.
Qua đó bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công an là nòng cốt tiếp tục chủ động phân tích, dự báo tình hình của thế giới cũng như trong nước, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Mặc dù đã có những cố gắng nhưng tổng thể nhìn chung thực trạng tội phạm vẫn đang gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản, trong đó có tội phạm về ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân là hết sức quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại hội trường |
Cho rằng tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên. Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật
Tiếp thu các ý kiến thảo luận, ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ đây là những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và chia sẻ, động viên để Chính phủ, các cơ quan tư pháp nói chung và Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch Covid-19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch giải pháp phòng ngừa và đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực.
Toàn cảnh kỳ họp |
Bộ trưởng Bộ Công an đã điểm lại những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận, những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết. Bộ trưởng bày tỏ, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi.
Bộ Trưởng cũng làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách như báo cáo đã nêu. Ba là, những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô