Nền tảng quyết định chất lượng giáo dục
Chất lượng được khẳng định
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, những năm qua, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã không ngừng được mở rộng, có bước phát triển mạnh mẽ. Toàn Thành phố hiện có 2.874 trường mầm non, phổ thông; hơn 2,2 triệu học sinh và gần 123.000 giáo viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Đến tháng 10/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn Thành phố là 72,7%. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 3.
Từ phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Ảnh: P.T |
Chất lượng giáo dục của Thành phố có bước chuyển biến rõ nét. Học sinh Thủ đô khẳng định vị trí dẫn đầu với 12 học sinh đạt giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,56%, Hà Nội xếp vị trí thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022. Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023 – 2024 bảo đảm nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc được quan tâm. Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp Đảng năm học 2022 – 2023 tại các trường thuộc Sở là 92 học sinh, gấp hơn 3 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2010 đến năm 2022).
Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Có thể khẳng định, để có được những thành tựu này có phần đóng góp công sức rất lớn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô – những người “chở đạo”, “trồng người”, “ươm mầm tri thức” đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ. Dù ở điều kiện dạy học ra sao, mỗi nhà giáo đều nỗ lực tự hoàn thiện, lan tỏa sự tích cực, nhiệt huyết đến đồng nghiệp với chung mục đích đem đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Chẳng hạn như cô giáo Đinh Thị Út (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Đô, huyện Ba Vì). Sinh ra và lớn lên ở huyện ngoại thành xa xôi nhất của Thủ đô Hà Nội – huyện Ba Vì nên cô Út hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Chính vì vậy, từ ngày đầu tiên chập chững bước chân vào nghề giáo, cô đã luôn tự dặn bản thân phải nỗ lực, cố gắng thật nhiều để đem lại những điều tốt nhất cho học sinh, phụ huynh tại quê hương. Cùng với việc gom trường, xóa điểm lẻ, điều cô Út dành nhiều tâm huyết nhất đó là việc làm thế nào để tạo được môi trường tốt nhất cho trẻ hoạt động, tạo môi trường như thế nào để phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của trẻ với nguồn kinh phí tiết kiệm nhất. Sáng kiến làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên, vật liệu thiên nhiên sẵn có được nhen nhóm… Sau khi nghiên cứu các tài liệu về làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo, căn cứ vào nguồn lực của nhà trường và các nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương, cô đã phát động giáo viên thực hiện mô hình “Làm đồ dùng, đồ chơi từ nguyên vật liệu thiên nhiên”.
Với sự hỗ trợ tích cực của đồng nghiệp và cả phụ huynh học sinh, mô hình của cô thu được 450 khay gỗ, 75 bàn chân thấp, 180 bộ đồ chơi âm nhạc, 150 hộp đựng bút, 120 giá để tranh nhỏ, 15 bảng tuyên truyền nhóm lớp… Ngoài ra, còn có các bộ đồ chơi học tập, các dụng cụ như giá góc, kệ treo cây… được làm bằng gỗ hoặc các vật liệu dễ kiếm, chi phí thấp. Qua thời gian thực hiện và sử dụng, các sản phẩm tự tạo mô hình đã có sức thu hút và lan tỏa trong cộng đồng. Nhà trường đã chia sẻ, lan tỏa đến các trường bạn trong và ngoài ngoài huyện thông qua các buổi kiến tập chuyên đề điểm của huyện.
Hay như cô giáo Lê Thị Na Sa (giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình) luôn cố gắng tìm đáp án cho câu hỏi cần làm gì cho học sinh, cho ngôi trường mà mình gắn bó. Là giáo viên Tiểu học, điều cô Na Sa mong muốn là được nhìn thấy nụ cười của học sinh mỗi ngày đến lớp. Mỗi ngày cô luôn cố gắng dạy học trò biết thêm những điều hay, lẽ phải. Với cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết này, nhận được sự tin yêu mà phụ huynh trao gửi con, các trò đi học yêu cô, yêu lớp, thích đi học chính là niềm hạnh phúc nhất. Đây cũng là động lực để cô luôn cố gắng học hỏi và phấn đấu. “Tôi nhận thức được, khi có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, người giáo viên sẽ dễ dàng truyền đạt được đến học sinh những nhận thức”, cô giáo Lê Thị Na Sa chia sẻ.
Tương tự, hơn 26 năm gắn bó với nghề, dù ở bất kì cương vị nào, tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn, hay giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Phạm Thanh Dung (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Lợi, quận Long Biên) luôn không ngừng học hỏi, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ý thức kết quả học tập và rèn luyện của học sinh sẽ là tấm gương phản chiếu mức độ tâm huyết của người giáo viên, trong nhiều năm công tác, cô luôn cố gắng để trở thành một giáo viên thực sự biết khơi nguồn và truyền cảm hứng học tập cho các thế hệ học sinh. Cô luôn giúp đỡ, lan tỏa kinh nghiệm cho đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ, tích cực tham gia nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” nhằm hướng tới mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Có thể khẳng định, tấm gương của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường là những bằng chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó cũng là sự kết tinh lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy cô năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để tạo ra những việc làm sáng tạo, hiệu quả, khoa học hơn trong hoạt động giảng dạy; từ đó góp phần làm nên những thành tích đáng tự hào của ngành GD&ĐT Thủ đô.
Phạm Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô