Tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại các tỉnh phía Nam trong mùa dịch
(TN&MT) – Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa thông tin về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa, việc kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá tại thị trường các tỉnh phía Nam trong ngày 16/7.
Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ chiều 15 đến sáng 16/7, lượng người đến mua hàng tại các siêu thị có giảm so với ngày hôm trước nhưng nhu cầu người dân mua hàng vẫn rất đông, nhiều siêu thị phát phiếu mua hàng và thời gian hẹn vào siêu thị khoảng 4 – 8 tiếng ; các cửa hàng tiện ích, siêu thị không phát phiếu hẹn cũng xếp hàng mất 30 phút – 1 giờ mới vào được. Đến chiều, tối, nhiều cửa hàng cũng hết rau, củ, trứng, bún, miến. Giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng.
Tại TP.HCM lượng người đến mua hàng tại các siêu thị có giảm so với ngày hôm trước nhưng nhu cầu người dân mua hàng vẫn rất đông |
Bên ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện ích, có một số hộ dân cũng đã bán rau, củ, trứng nhưng giá cao hơn siêu thị rất nhiều: trứng (gà, vịt) 45.000 đồng/10 trứng (giá trong siêu thị, cửa hàng từ 27.000 – 30.000 đồng/10 trứng); dưa leo giá 45.000 đồng/kg; bí đỏ 30.000 đồng/kg; rau, củ 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Thuận, người dân tăng mua các loại hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Giá mặt hàng thịt heo, thịt bò, trứng và các loại rau củ không tăng so với ngày 15/7. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, hàng hóa thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm đa dạng, bảo đảm đủ cung ứng cho người dân.
Tại tỉnh Ninh Thuận, sáng ngày 16/7, ở các chợ truyền thống lớn trên địa bàn tiếp tục xảy ra tình hình tăng đột biến về sức mua đối với các mặt hàng: thịt heo, mì gói, rau, củ quả, trứng gà, vịt. Đã xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ đối với mặt hàng thịt heo, trứng. Nguyên nhân do UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng từ 00h00 ngày 17/7/2021 đối với huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nên người dân mua thực phẩm để dự trữ.
Tại tỉnh Đồng Nai, đến sáng ngày 16/7/2021, sức mua của người dân đã dần ổn định hơn so với những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, trên thị trường hiện tại không có tình trạng gom hàng đầu cơ.
Tại thành phố Cần Thơ, chiều ngày 15/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã tháo gỡ việc các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường bộ, đường thủy từ vùng dịch, sẽ được lưu thông qua các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Do đó, hàng hóa tại các siêu thị tương đối ổn định, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng găm hàng tăng giá đột biến.
Còn ở các tỉnh khác, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu. Tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân (rau, củ, quả tăng dao động từ 5.000 đ/kg đến 15.000 đ/kg tùy loaị, bằng 25% đến 60% so với ngày 01/7).
Ở nhiều tỉnh, do lo ngại tình hình dịch Covid-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu |
Cục QLTT tại các tỉnh cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá. Cụ thể, QLTT Đồng Nai trong 2 ngày 15 và 16/7 phát hiện, xử lý 03 vụ, thu phạt 2.250.000đ do không niêm yết giá hàng hóa. Cục QLTT Tiền Giang từ ngày 01/6/2021 đến nay đã kiểm tra đột xuất 41 vụ, thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Cục QLTT tỉnh Bến Tre: từ ngày 13/7/2021 kiểm tra, lập biên bản 01 vụ vi phạm do niêm yết giá không đúng quy định.
Hiện nay, các Cục QLTT đều công khai đường dây nóng của Đội trưởng, Lãnh đạo Cục/Văn phòng Cục QLTT để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và công tác phòng chống Covid-19.
Ngoài nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, các Cục QLTT còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.