Triển vọng lớn từ xuất khẩu nghêu và con đường chinh phục thị trường trên thế giới
Việt Nam có 4 vùng nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC
Vừa qua, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng – Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS, thuộc Hội Thủy sản Việt Nam) trao chứng nhận ASC cho chuỗi giá trị nghêu tại Tiền Giang. Trước đó, ICAFIS cũng đã trao giấy ASC cho vùng nuôi nghêu ở Trà Vinh.
Việt Nam có 4 vùng nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC, ngoài Tiền Giang, Trà Vinh là Nam Định và Ninh Bình. Hiện trên thế giới, chỉ Việt Nam đạt chứng nhận ASC cho loài nghêu trắng.
Được biết, nghêu là 1 trong 4 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – cùng với tôm, cá tra và cá rô phi; được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, nhất là Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, bờ biển nước ta dài trên 3.260 km với nhiều bãi cát là vùng sinh cảnh thuận lợi cho nghêu phát triển, trở thành sản phẩm chiến lược quốc gia. Năm 2010, diện tích nuôi nghêu cả nước là 14.760 ha, sản lượng 109.250 tấn; đến năm 2019 đã tăng lên 19.200 ha – gần 227.000 tấn.
Trao đổi với Người Lao Động, bà Trần Thị Bé Bảy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết nghề nuôi nghêu ở địa phương có từ rất sớm, từ những năm 1990, tập trung tại huyện Gò Công Đông và phát triển khá mạnh so với các nơi khác tại ĐBSCL. Diện tích có khả năng nuôi nghêu thương phẩm liên tục tăng qua các năm, hiện tương đối ổn định với khoảng 2.300 ha trên địa bàn 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, sản lượng trên 19.000 tấn/năm.
Tuy vậy, bà Lưu Thị Hồng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, đánh giá những năm qua, nghề nuôi nghêu ở huyện gặp không ít khó khăn do sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến, chưa liên kết được thị trường tiêu thụ mà chủ yếu qua thương lái. Bà nhận xét: “Do đó, giá cả nghêu không ổn định, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu tính bền vững”.
Theo VOV, để nâng cao giá trị nghêu thương phẩm, năm 2011 Tiền Giang đã triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix Lyrata) tại Gò Công, theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển MSC”. Từ năm 2018 chương trình MSC nghêu tỉnh Tiền Giang tiếp tục được hỗ trợ bởi Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” (do Liên minh châu Âu tài trợ), Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM tại Việt Nam thực hiện.
Qua đánh giá của chính quyền, các ngành chức năng trong tỉnh và các tổ chức OXFAM, ICAFIS, Chứng nhận ASC nuôi thuỷ sản bền vững đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế ưa chuộng, như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản…Bên cạnh đó, ASC cho phép phân bổ mật độ và sản lượng nuôi theo kế hoạch nên sẽ phù hợp với nghề nghêu tỉnh Tiền Giang hơn chứng nhận MSC. Qua thời gian thực hiện đến nay, tỉnh Tiền Giang có 350ha bãi nuôi nghêu ở vùng biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông vừa được Tổ chức Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC. Đây là niềm vui lớn cho người nuôi nghêu tại địa phương này.
“Khi con nghêu đạt Chứng nhận người nuôi thêm phấn khởi, vì đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài sẽ hiệu quả hơn, giá cả và thị trường ổn định hơn. Để đạt nghêu đạt tiêu chuẩn phải nuôi chất lượng cao”, ông Bùi Văn Tuấn, hộ nuôi 30 ha nghêu tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang chia sẻ.
Đáng chú ý, tại Trà Vinh, 65 km bờ biển là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi nghêu ở các bãi bồi và vùng cửa sông lớn. Toàn tỉnh hiện có 7 HTX nuôi nghêu với tổng diện tích khoảng 1.000 ha ở 2 huyện Châu Thành, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, sản lượng thu hoạch hằng năm 4.000-6.000 tấn.
Đặc biệt, từ năm 2018-2023, dự án “Phát triển bền vững, toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam – SCBV” do EU tài trợ được ICAFIS và một số đơn vị thực hiện tại 5 địa phương. Dự án đã giúp 3 tỉnh ĐBSCL là Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre phát triển bền vững nghề nuôi nghêu. Theo đó, lấy tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, dự án đã phối hợp với 5 địa phương cải tiến kỹ thuật cho người nuôi nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế dành cho nghêu như MSC (do Hội đồng Quản lý biển cấp) và ASC. Kết quả, vào tháng 3/2023, vùng nuôi nghêu tại Trà Vinh với diện tích 433 ha ở 3 HTX được trao ASC. Đến ngày 15/11, vùng nuôi nghêu 311 ha của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cũng được trao chứng nhận quốc tế này.
Nghêu Việt Nam chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới
Theo TTXVN, nghêu là một trong những đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Australia…
Cùng với phát triển đối tượng nuôi này, những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã có sự đầu tư mạnh mẽ trong sản xuất bền vững để có thể đạt các chứng nhận quốc tế, tạo nền tảng để nghêu Việt vươn xa.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam 9 tháng năm 2023 đạt 98 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu nghêu đạt 62 triệu USD, giảm 19%.
Các ngành, địa phương đang quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, đảm bảo điều kiện tốt nhất để làm việc với EC, phấn đấu mục tiêu đến tháng 10/2023 gỡ “thẻ vàng” IUU.
Sản phẩm nghêu Việt Nam hiện đã có mặt và chinh phục gần 60 thị trường trên thế giới. Cùng với những lợi thế về sản xuất trong nước cộng với dư địa lớn về thị trường tiêu thụ, hướng đi bền vững, ngành hàng nghêu kỳ vọng sẽ vươn tầm cao mới trong tương lai.
Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam có các đối tượng nhuyễn thể có vỏ khá phong phú như nghêu, sò huyết, ốc hương, điệp, hàu… và cũng ngành hàng chủ lực đem lại giá trị kinh tế, tiềm năng phát triển.
Nghêu trắng Việt Nam có thể chế biến được đa dạng sản phẩm hơn các dòng nghêu khác trên thế giới.
Theo Người Đưa Tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu