Giấy chuyển viện…

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho hay, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi”. Vì vậy, đại biểu cho rằng, hiện công nghệ thông tin đã tiến bộ và việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt.

Giấy chuyển viện…
Ảnh minh họa.

Hiện tại, hơn 93% dân số Việt Nam đã có BHYT thì việc có thêm “barie” đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ. Đại biểu Trí cũng đề nghị, nên đẩy mạnh tiến hành thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật BHYT tới phải làm sao để người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc… Theo đại biểu, phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.

Những kiến nghị, đề xuất của đại biểu Trí và một số đại biểu Quốc hội liên quan đến BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là rất hợp lý. Dù hiện nay, Chính phủ và các cấp, ngành đang đẩy mạnh số hóa để tiến tới mô hình Chính quyền số – Kinh tế số – Xã hội số, nhưng thực tế hệ thống Y tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề giấy chuyển viện, chuyển tuyến trong hệ thống bệnh viện công vẫn chưa hề số hóa. Muốn chuyển từ bệnh viện cấp huyện/quận lên cấp tỉnh/thành và từ tỉnh/thành lên tuyến bệnh viện Trung ương, thay vì cái “nhấp chuột” thì vẫn phải dùng phương pháp “thủ công” là giấy chuyển viện. Cách làm này vừa mất thời gian, vừa rườm rà không phù hợp với xu thế số hóa.

Còn vấn đề người dân đã có BHYT thì phải quy định muốn khám, điều trị ở đâu cũng được. Đây là một kiến nghị rất xác đáng, nhân văn, song xét về hạ tầng và trình độ y tế giữa các tuyến hiện nay, áp dụng trong hiện tại và tương lai gần là điều không dễ dàng. Vẫn biết, dù ngành Y tế đã có những đổi mới, nhưng thực tế hệ thống dịch vụ (trang thiết bị) cũng như trình độ y, bác sĩ của tuyến địa phương vẫn chưa thể bằng tuyến Trung ương.

Trong bối cảnh, các bệnh viện đang khuyến khích theo mô hình tự chủ tài chính, nếu bỏ quy định khám, chữa đúng tuyến thì chắc chắn người dân sẽ dồn lên các bệnh viện lớn. Khi đó sẽ nảy sinh các vấn đề, quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố; đặc biệt là tuyến Trung ương, còn các bệnh viện tuyến cơ sở cũng sẽ thiếu hụt nguồn thu có thể dẫn đến khủng hoảng về thu nhập. Bởi thế, điều kiện cần và đủ trong thời gian 5-10 năm tới, ngành Y tế cần “phủ sóng” về dịch vụ lẫn chất lượng tuyến bệnh viện cơ sở một cách hiện đại, chất lượng thì khi đó người dân có quyền lựa chọn khám, điều trị bằng BHYT ở đâu họ muốn.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích