Tăng cường kết nối chuỗi giá trị để cùng phát triển

Tăng cường liên kết bền vững

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh thành có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây.

Đối với TP.HCM, vùng ĐBSCL có gắn kết hết sức mật thiết và quan trọng, có tác động qua lại về mọi mặt. Trên tinh thần hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên để cùng nhau phát triển, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, TP.HCM và các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã ký Thỏa thuận hợp tác đến năm 2025 với 6 lĩnh vực trọng tâm.

Tăng cường kết nối chuỗi giá trị để cùng phát triển
Doanh nghiệp ĐBSCL giới thiệu sản phẩm địa phương cho khách tham quan tại Mekong Connect 2023.

Theo ông Trần Việt Thường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, các chuỗi liên kết sản xuất, giá trị tại ĐBSCL hiện nay đang có hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, nhằm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Còn trong sản xuất nông nghiệp, vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp…

Do đó, ông Trần Việt Thường cho rằng, cần phải xây dựng khung chương trình hợp tác giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL ở các mặt như thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết phát triển hạ tầng xanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế xanh, xúc tiến – quảng bá thương mại sản phẩm và lĩnh vực liên quan kinh tế xanh trên quy mô toàn vùng và liên vùng.

“Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác với TP.HCM nhằm phân tích, đánh giá tiềm lực đột phá từ những ngành hàng cụ thể, nối kết và nâng tầm ảnh hưởng những ngành hàng có tính dẫn dắt. Tìm ra những cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn khởi nghiệp với những mục tiêu nâng tầm trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế trải nghiệm và tăng trưởng bao trùm”, ông Thường nói.

Cùng chung nhận định liên kết để khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ĐBSCL được xem là vấn đề khó khăn, nhưng ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, việc liên kết chính là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm ổn định và phát triển vùng theo định hướng chung của cả nước.
Hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đã tiến hành liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau,… Riêng đối với tỉnh Bến Tre, ngoài việc tham gia vào các nhiệm vụ chung của vùng, một số mô hình liên kết, hợp tác dần được hình thành và chú trọng thực hiện trong quá trình quản lý, điều hành của tỉnh.

“Tỉnh Bến Tre đang tập trung phối hợp với các sở, ngành của TP.HCM để triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả bước đầu trên các lĩnh vực như: Kết nối doanh nghiệp, xúc tiến mời gọi đầu tư; kết nối giao thương, kết nối cung – cầu; kết nối, phát triển tuyến điểm du lịch; khoa học và công nghệ; y tế;…” ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết.

Hướng đến tăng trưởng xanh

Nhận định kinh tế là không có ranh giới hành chính, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, những thành tựu kinh tế mà TP.HCM đạt được thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của ĐBSCL. Ngược lại, hiệu ứng lan tỏa từ sự phát triển của TP.HCM ra cả vùng là không thể phủ nhận.

Với thế mạnh có hàng loạt các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, chưa kể các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại, các tổ chức quốc tế, theo Bộ trưởng NN&PTNT, TP.HCM phải là nơi dẫn dắt câu chuyện tăng trưởng và mới nhất đó là tăng trưởng xanh.

“Tôi vừa đi châu Âu, 80% nhãn hàng đều gắn với nhãn xanh. Tức là tâm thức tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh đã ăn sâu vào suy nghĩ của người ta. TP.HCM sẽ là nơi dẫn dắt câu chuyện này”, ông Lê Minh Hoan cho biết.

Còn theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội cùng 4 mục tiêu cụ thể: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Để đạt được các mục tiêu trên, TP.HCM đã và đang có nhiều nỗ lực trong công cuộc này. Thành phố xác định, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền phát triển bền vững và cần có sự chia sẻ lẫn nhau, chia sẻ từ quốc gia đi trước, chuyên gia có kinh nghiệm và sự chủ động, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, TP.HCM luôn xác định sự phát triển của thành phố luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác, trong đó có vùng ĐBSCL, nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

“TP.HCM cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tiếp tục đối thoại về kết nối chuỗi cung ứng hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Điều đó cho thấy TP.HCM xác định mối liên kết vùng chặt chẽ giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong nhiệm vụ phát triển kinh tế”, ông Võ Văn Hoan cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, việc kết nối được sức mạnh khoa học công nghệ, tri thức từ TP.HCM sẽ giúp các tỉnh ĐBSCL làm tốt hơn việc phát triển bền vững của mình. Bên cạnh đó cũng giúp cho việc nâng cấp các sản phẩm ĐBSCL theo hướng xanh hơn, đạt chuẩn xuất khẩu, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, tạo dựng niềm tin và mở rộng thị trường, tăng thu nhập người dân nông thôn.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích