Hà Nội xuất hiện nghệ thuật mới – nghệ thuật Trúc Chỉ tại phố cổ

Nghệ thuật Trúc Chỉ là một loại hình nghệ thuật mới của Việt nam do Họa sỹ Phan Hải Bằng, giảng viên Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế cùng cộng sự nghiên cứu, sáng tạo nên. Bằng cách kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa; thuật ngữ kỹ thuật “trucchigraphy” đã ra đời và được sử dụng chính cho nghệ thuật Trúc Chỉ.

Nghệ thuật Trúc Chỉ cũng được trưng bay giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm để công chúng có thể đến xem và trải nghiệm về loại hình nghệ thuật này

Xuất phát từ ý niệm làm cho Giấy có thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm độc lập, tên gọi Trúc Chỉ do Nhà văn, Dịch giả Bửu Ý định danh vào năm 2012 với ý niệm sử dụng hình ảnh cây Tre như một biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt, theo đó Trúc Chỉ là danh từ để chỉ một loại giấy nghệ thuật mới của người Việt.

Trúc Chỉ sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau sẵn có tại các địa phương cho việc chế tác: rơm, tre, bèo, mía, chuối, cỏ… Nghệ thuật Trúc Chỉ có khả năng thích ứng cao với cả nghệ thuật thị giác và nghệ thuật ứng dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Việc giới thiệu Nghệ thuật Trúc Chỉ và biểu diễn thời trang tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Lễ hội thiết kế sáng tạo của quận Hoàn Kiếm. Lễ hội là dịp để khẳng định sức sống, sức sáng tạo của thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng. 

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại sự kiện

Bên cạnh đó, Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2023 cũng là động lực để khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa như kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế… tạo ra nền tảng để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”.

Năm nay, chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam của quận Hoàn Kiếm tập trung tại 6 địa điểm là Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – 50 Đào Duy Từ; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm; Ngôi Nhà Di sản – 87 Mã Mây; Đình Kim Ngân – 42 Hàng Bạc; Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ – 28 Hàng Buồm; Đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào… 

Trong đó, điểm nhấn là các chương trình như Triển lãm Trúc Chỉ, chủ đề “Thắm”; Tọa đàm về ứng dụng chất liệu Tuồng trong đời sống đương đại; Biểu diễn âm nhạc truyền thống “Xưa – Mới hôm nay” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc; Không gian giới thiệu Trà Việt, chủ đề “Ấm chén trà cụ trong không gian thưởng trà của người Hà Nội”; Trưng bày giới thiệu tranh dân gian Kim Hoàng và nghệ thuật Thư pháp, chủ đề “Mảng chạm”; Giao lưu văn hóa giữa các địa phương: Giới thiệu nghệ thuật gốm Bát Tràng – Hà Nội và gốm Đông Hòa – Phú Yên; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm sơn mài Hanoia…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ về Nghệ thuật Trúc Chỉ

Ngoài màn biểu diễn thời trang mang đậm nét truyền thống của NTK Vũ Việt Hà, công chúng Thủ đô cho thấy sự quan tâm không nhỏ tới nghệ thuật Trúc Chỉ được trưng bày trong khuôn viên 22 Hàng Buồm. Theo đó, nghệ thuật Trúc Chỉ đề cao và lan tỏa sự giao thoa giữa các giá trị truyền thống và hiện đại, phù hợp với tinh thần vận hành và phát triển của Thành phố Hà Nội – thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển nghệ thuật của dự án chia sẻ: Nối tiếp những cuộc triển lãm đã từng thực hiện tại 22 Hàng Buồm, triển lãm Trúc Chỉ lần này như một sự nối dài các đối thoại giữa nghệ thuật với di sản trong lòng thành phố Hà Nội. Qua đó cho thấy các tác phẩm nghệ thuật được sử dụng một cách hiệu quả như thế nào để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người trẻ.

Cũng theo Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Nghệ thuật Trúc Chỉ đã phát triển rất nhanh, ngoài khả năng phát triển về nghệ thuật tạo hình thì Trúc Chỉ đã phát triển trở thành một doanh nghiệp và đã có những ứng dụng nghiên cứu trong nghệ thuật thiết kế…

 

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích