Công cụ 5S – Lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất ngói và chế biến cao su
Hiện nay, công cụ 5S được nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng và đang dần được triển khai nhân rộng tại Việt Nam vì đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Công cụ 5S là tên gọi của một phương pháp nhằm tổ chức, bố trí khu vực làm việc một cách hợp lý, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, làm việc theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn và được viết tắt từ 5 từ của tiếng Nhật bắt đầu bằng chữ S: Seiri – Sàng lọc: phân loại, chọn và loại bỏ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc; Seiton – Sắp xếp: sắp xếp lại mọi thứ ngăn nắp, đúng chỗ để tiện lợi khi cần sử dụng; Seiso – Sạch sẽ: thường xuyên vệ sinh, lau chùi, dọn dẹp nơi làm việc; Seiketsu – Săn sóc là tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn 3S trên một cách liên tục; Shitsuke – Sẵn sàng: rèn luyện tạo cho mọi người thói quen tuân thủ quy định tại nơi làm việc và tự giác tham gia vào hoạt động 5S.
Thông thường để triển khai, áp dụng 5S, cần thực hiện các bước như: Chuẩn bị, xem xét thực trạng; Khởi động 5S; Mọi người tiến hành tổng vệ sinh; Bắt đầu bằng Seiri; Thực hiện Seiri, Seiton và Seiso hàng ngày; Đánh giá định kỳ.
Việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá theo hướng tinh gọn, loại bỏ các lãng phí không hợp lý trong quá trình sản xuất, mang lại hiệu quả cao là hết sức cần thiết cho mỗi doanh nghiệp.
Do đó khi thực hiện thành công 5S, các lãng phí phát sinh trong quá trình sản xuất sẽ được giảm thiểu tối đa nhất. Những thứ không cần thiết sẽ được loại bỏ, những vật dụng cần thiết được được bảo dưỡng, bảo quản, xếp ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng và thuận tiện cho người sử dụng. Đặc biệt, môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, có nguyên tắc hoạt động rõ ràng sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và hoạt động sản kinh doanh, nhất là có sự tham gia tích cực của tất cả mọi người cũng là yếu tố quan trọng hướng đến sự thành công của mỗi tổ chức, doanh nghiệp.
Xác định được tầm quan trọng khi áp dụng công cụ 5S ngay từ đầu Công ty cổ phần Ngói cao cấp Amado, Khu công nghiệp Tam Dương II tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phải “đi trước, đón đầu về công nghệ”. Cùng với đó, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm tối đa các công đoạn thừa, không cần thiết; thực hiện tốt quy trình 5S, bảo đảm tất cả các sản phẩm được sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và đưa ra chính sách bán hàng hợp lý trên cơ sở chăm sóc hậu mãi khách hàng.
Đặc biệt, Công ty đã mạnh dạn đầu tư 2 dây chuyền sản xuất tự động lên đến 95%, với công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ Italia. Đồng thời, tuyển dụng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm; mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài về tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho cán bộ, công nhân lao động, đưa ra thị trường các sản phẩm vừa chất lượng, vừa có mẫu mã đẹp, hiện đại.
Để tạo sự khác biệt, lối đi riêng, Công ty đã tập trung phát triển dòng sản phẩm gạch, ngói đất sét nung bằng hệ thống lò nung tráng men cao cấp, công suất thiết kế 3 triệu sản phẩm/năm với các tính năng vượt trội như: Không rêu mốc, chống trơn trượt, chống nồm, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, thân thiện với môi trường. Hiện Công ty có 50 mẫu sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm được Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cấp Chứng chỉ đạt chuẩn tiêu chuẩn Quốc gia.
Tiêu chí xanh hóa được Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thực hiện quyết liệt từ vườn cây đến cả hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến cao su thuộc tập đoàn. Theo đó, ý thức áp dụng công cụ 5S trong hoạt động sản xuất được triển khai khắp đội ngũ công nhân nhà máy, ý thức bảo vệ môi trường của người lao động chuyển biến rõ rệt, công nhân không còn vứt rác bừa bãi trong lô cao su, mà thu gom gọn gàng. Không những vậy, doanh nghiệp chế biến cao su cũng xử lý những phụ phẩm cao su sang lợi ích kinh tế thấp hơn, thay vì phải bỏ đi và tiêu tốn kinh phí xử lý.
Điển hình, Công ty cổ phần Cao su kỹ thuật Đồng Phú (nệm Đồng Phú) thuộc Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú đã thu hồi được 100% phụ phẩm sau sản xuất để xử lý bằng cách xay nhỏ, sấy khô cung cấp cho những đơn vị sản xuất có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn nệm như lốp xe, tấm lót thú cưng, tấm lót chống trượt trong nhà xưởng… giảm lượng rác thải ra môi trường. Nhờ đó 100% sản phẩm cao su thiên nhiên thân thiện với môi trường, có thể tái chế và dễ dàng phân hủy khi thải ra môi trường nên là lợi thế lớn khi chào hàng sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản khi đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất xanh, nguyên liệu bền vững và mức độ an toàn cao.
Tương tự toàn bộ lượng nước thải của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (Taniruco), Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Thạnh, thuộc Taniruco đều đã được xử lý đạt tiêu chuẩn cột A (có thể đổ vào các thủy vực thường được làm nguồn nước sinh hoạt). Một nửa lượng nước thải sau khi xử lý này được thu gom về mương oxy hóa, sau đó được bơm theo đường ống nhựa cung cấp nước cho công đoạn rửa nguyên liệu cao su mủ tạp trong dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20.
Việc tái sử dụng nước thải sau xử lý được áp dụng cho toàn bộ dây chuyền sản xuất cao su SVR 10, SVR 20 từ nguyên liệu mủ tạp từ đầu vụ cho đến khi hết vụ sản xuất không hạn chế các mùa trong năm. Điều này cho thấy việc tái sử dụng nguồn nước thải đang được Taniruco thực hiện khá tốt, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và góp phần sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn. Như vậy, thông qua từng khâu từ vườn cây đến nhà máy, ngành cao su đang dần khẳng định việc xanh hóa, bảo vệ môi trường, bào vệ sức khỏe con người, hướng đến con đường phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
An Dương