Sức mạnh đoàn kết của chi bộ
Qua đó cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xem trọng đoàn kết và xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định “Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Theo đó, chi bộ là trung tâm đoàn kết quy tụ, tập hợp mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ sở. Chính vì vậy, việc xây dựng một tập thể đoàn kết thống nhất có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Dựa trên cơ sở đó, tôi xin đưa ra các ý kiến để xây dựng chi bộ đoàn kết hướng tới trong sạch, vững mạnh như sau:
Một là, mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động. Đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Hai là, xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở phê bình và tự phê bình, thẳng thắn, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức.
Ba là, khối đại đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài, chi bộ cần có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung, rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi cán bộ, đảng viên có điều kiện phát triển. Đồng thời, chi bộ cũng quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng đạo đức, lối sống cho đảng viên; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo, củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Bốn là, xây dựng đội ngũ đảng viên ở chi bộ cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính. Nâng cao chất lượng đảng viên còn là yêu cầu bức thiết của việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Muốn nâng cao chất lượng đảng viên, ngoài việc quản lý, giáo dục của tổ chức đảng, còn phải có sự tự phấn đấu, rèn luyện của đảng viên. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng đảng viên là phải không ngừng kiện toàn đội ngũ cấp ủy, chi bộ, để không ngừng xây dựng, củng cố chi bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Năm là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng. Sinh hoạt chi bộ có vị trí quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ được duy trì đều đặn, thường xuyên có chất lượng sẽ làm cho đường lối, chính sách của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên được quán triệt, thực hiện nghiêm túc; trí tuệ và trách nhiệm của đảng viên được nâng cao, kỷ luật của Đảng được tăng cường, quan hệ giữa Đảng với quần chúng được củng cố, phát triển; nội bộ chi bộ đoàn kết, thống nhất cao. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt. Chi bộ phải tôn trọng quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận thẳng thắn các vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng; quyền được tự phê bình, phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức của đảng viên ở mọi cấp; quyền được thông tin, được bảo lưu ý kiến của mình như Điều lệ Đảng đã quy định. Trong chi bộ phải chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, áp đặt ý kiến cá nhân, thành kiến, trù dập, kiêu căng, thiếu khiêm tốn hoặc e dè nể nang, thiếu trung thực, không dám đấu tranh với những việc làm, quan điểm sai trái.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của chi ủy, chi bộ đối với cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra; muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết thống nhất trong chi bộ, giúp kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết. Đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên không ngừng chăm lo vun đắp cho khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Thực tiễn cho thấy, một tập thể mạnh luôn là một tập thể đoàn kết. Một tập thể đoàn kết là điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và là tiền đề đem lại hiệu quả công việc cao nhất. Nhờ đoàn kết mà tập hợp được lực lượng và sức mạnh. Sức mạnh ấy là sự tổng hợp tài năng, trí tuệ từ mỗi cá nhân.
Trên đây là một số ý kiến về xây dựng đoàn kết trong chi bộ hướng tới trong sạch vững mạnh.
Nguyễn Vũ Hoàng Phương