Lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quyết đoán hơn trong công cuộc chuyển đổi số
Nhiều doanh nghiệp cho rằng quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp việc thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp về công nghệ thông tin (CNTT) là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, quan điểm từ những người đã thành công trong bước đầu chuyển đổi số doanh nghiệp lại cho rằng chính tư duy, năng lực của người lãnh đạo mới là nhân tố quyết định.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, đối với doanh nghiệp, áp dụng chuyển đổi số là sự chuyển đổi về định hướng, tư duy, văn hóa. Nói cách khác là thay đổi hướng đi truyền thống đang làm để sang cách mới năng suất hơn, hiệu quả hơn. Vấn đề đặt ra là người lãnh đạo. Việc đưa công nghệ vào thay đổi tư duy của nhân viên cần có vai trò của lãnh đạo. Người đứng đầu doanh nghiệp cần tham gia vào đào tạo, hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, nhân viên công ty để họ cùng nhìn thấy được viễn cảnh thời gian tới khi thay đổi sẽ tốt hơn cho tổ chức và cho chính người lao động.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Bảo – Giám đốc vận hành Công ty cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại Tugo cho rằng chuyển đổi công nghệ là một quá trình “khá nhiêu khê và cần người đứng đầu để định hướng cho mọi người cũng như giải quyết mâu thuẫn cho các bộ phận liên quan”. Trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi sự “đụng chạm” về mặt quyền lợi, thủ tục cũng như tiến độ của các phòng, ban. Do vậy, lãnh đạo sẽ là người có tiếng nói cuối cùng để hòa giải, mang tới quyền lợi chung cho tất cả.
“Nếu người đứng đầu không kiên quyết thì chắc chắn sẽ thất bại. CNTT hay chuyển đổi số là công cụ và thói quen thay đổi khó, chỉ có lãnh đạo quyết tâm mới thay đổi được. Người lãnh đạo là nhân vật có tính quyết định nên tôi cho rằng họ phải có quyết tâm, bởi chuyển đổi số là một quá trình, còn nhiều thứ sau này”, ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Xelex chia sẻ.
Để chuyển đổi số hiệu quả, theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, cần đánh giá năng lực hấp thụ của doanh nghiệp để thiết kế lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Không phải mua sắm một vài thiết bị công nghệ để sử dụng thì được xem như là đã chuyển đổi số, mà yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là thay đổi phương thức quản lý, phương thức tổ chức của những người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp.
Hướng đến tương lai xa hơn với sự xuất hiện của thế hệ trẻ, sự kế thừa và quản trị doanh nghiệp sẽ có nhiều chuyển biến. Nhận định về điều này, ông Phạm Nhật Thành, Giám đốc phát triển kinh doanh Phú Thái Holdings Group, Chủ tịch Bifrost Investment cho rằng giới trẻ có lợi thế hơn thế hệ trước ở khả năng ứng dụng công nghệ. Trước đây, mạng xã hội hay máy tính bảng đều không phổ biến nhưng ngày nay, người trẻ và cả trẻ em thao tác rất nhanh, thậm chí không dùng họ không chịu được. Cách sử dụng và các ứng dụng công nghệ đã đi vào tiềm thức của người trẻ. Họ thấy rằng việc chuyển đổi số giúp ích cho cuộc sống chứ không phải là bị ép sử dụng. Khi bắt đầu chuyển đổi số cho mảng phân phối, ông Thành nhận thấy, khó khăn nhất là vấn đề nhập dữ liệu ngay từ đầu trong các khâu hoạt động, vì những khâu đó người ta vẫn có thể làm bằng giấy thay vì nhập hoàn toàn theo số hóa.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số luôn được Chính phủ ưu tiên. Tại Hà Nội, năm 2023 Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: Chương trình hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến; Chương trình hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động lĩnh vực sản xuất, chế biến; Tư vấn hỗ trợ về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục hành chính khác thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội; Triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động này là phấn đấu để đến năm 2025, 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội có nhận thức tốt hơn về chuyển đổi số, thúc đẩy sự xuất hiện của 90.000 doanh nghiệp mới nhận được hỗ trợ chuyển đổi số, và 100% doanh nghiệp tại thành phố sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử.
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà còn là quá trình thay đổi văn hóa và tư duy tổ chức. Lãnh đạo có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, tạo đà cho sự chuyển đổi này. Để thành công, doanh nghiệp cần đánh giá năng lực và xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên nghiên cứu và khảo sát để đảm bảo sự thành công trong quá trình chuyển đổi số.
Duy Trinh