Cuộc triển lãm kết hợp đồ gốm Bát Tràng với Đông Hoà-Phú Yên tại Hà Nội

Theo Ban tổ chức cho biết, chương trình do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các tổ chức, cá nhân. Trong đó, có nghệ nhân gốm Nguyễn Trường Sơn làng nghề gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và nghệ nhân làng gốm Trường Thịnh, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức.

Bà Trần Thị Thúy Lan Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phát biểu tại triển lãm

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: Chào mừng kỷ niệm 18 Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2023) Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa đặc sắc trong khu phố cổ Hà Nội, phục vụ người dân, du khách trong nước, quốc tế đến xem, thưởng lãm.

Trong số các sự kiện văn hóa nổi bật nói trên có triển lãm, giao lưu giới thiệu các tác phẩm gốm nghệ thuật tiêu biểu đại diện hai dòng gốm của Việt Nam. Cụ thể, triển lãm sẽ giới thiệu và bày về 2 làng nghề gốm là gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và làng gốm Trường Thịnh, phường Hòa Vinh, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Ban tổ chức tặng hoa 2 nghệ nhân làng gốm Trường Thịnh, tỉnh Phú Yên và làng gốm Bát Tràng, Hà Nội

Theo Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động với mong muốn sẽ lan tỏa giá trị văn hóa để người dân và công chúng hiểu hơn về di sản văn hóa mà cha ông để lại… 

Tại triển lãm, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn – người tiên phong của dòng gốm “Be chạch” ở Bát Tràng giới thiệu đến công chúng những sản phẩm hết sức độc đáo được làm từ kỹ thuật thủ công truyền thống. Đó là phương pháp làm gốm lưu lại dấu tay của người thợ làm gốm trên sản phẩm, tạo nên bề mặt lồi lõm tự nhiên. 

Nghệ nhân gốm Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về làng nghề gốm Bát Tràng

Đặc biệt tại triển lãm, nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn còn trưng bày 7 bức tranh gốm hết sức độc đáo do anh sáng tác. Chia sẻ về nghề gốm truyền thống Bát Tràng Nghệ nhân Nguyễn Trường cho biết: Gốm Bát Tràng có lịch sử từ lâu đời, trải qua thời gian, dòng gốm này vẫn phát triển và ngày một nâng cao, với tinh thần đó, những người trẻ như chúng tôi luôn cố gắng kế thừa và phát huy những tinh hoa của nghề gốm truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa của làng gốm Bát Tràng tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay, nghề làm gốm Trường Thịnh ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng với nhiệt huyết của các nghệ nhân, làng nghề hiện vẫn được duy trì và hướng đến sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ độc đáo phục vụ người tiêu dùng. Tại triển lãm này một số sản phẩm truyền thống gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ của dòng gốm Đông Hòa cũng đã được giới thiệu.

Công chúng của Thủ đô được trải nghiệm thực tế làm gốm của 2 làng nghề truyền thống

Cũng tại triển lãm công chúng của Thủ đô còn được trải nghiệm kỹ thuật làm gốm thủ công qua phần trình diễn của 2 nghệ nhân Nguyễn Trường Sơn (làng gốm Bát Tràng) và nghệ nhân Trần Thị Chiên (làng gốm Trường Thịnh).

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích