Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiệm vi phạm an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế, Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 8 tháng năm 2023, toàn thành phố thành lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra.
Kết quả, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm là 71.557 cơ sở, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỉ lệ 87,2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm…
Các hành vi vi phạm chủ yếu là: khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm; khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; tiêu thụ sản phẩm thuộc diện phải được sản xuất tại cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không thực hiện theo quy định; sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh, tiếp xúc với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định…
Trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát ATTP tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của TP đã kiểm tra, giám sát điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn ATTP và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn trường học tại 9 cơ sở.
Ngành y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố tại 579 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
Qua kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và kinh doanh thức ăn đường phố cho thấy, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tự công bố sản phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm; sử dụng phụ gia, hóa chất chưa xuất trình được hồ sơ và nguồn gốc của các loại hóa chất đó cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Một số chủ cơ sở còn sắp xếp hàng hóa lộn xộn, để thức ăn chín xen lẫn với thức ăn tươi sống, chưa bảo đảm các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng cáo, kinh doanh online các mặt hàng thực phẩm diễn ra phức tạp, khó kiểm soát về nội dung quảng cáo, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.
Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các quận có diện tích nhỏ, hẹp. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh cùng một địa điểm, một số cơ sở kinh doanh không cố định, mở bán hàng vào buổi đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu