Tạo đà thúc đẩy tăng trưởng GDP
Nhiều lĩnh vực doanh thu giảm
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), TP.HCM có tới 44% doanh nghiệp giảm doanh thu và 50% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm. 16% doanh nghiệp có kế hoạch giảm lao động trong thời gian tới do gặp khó khăn về vốn, đơn hàng sụt giảm và áp lực nợ nần…
Mặc dù tổng mức bán lẻ trong 10 tháng năm nay tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%) nhưng chủ yếu đến từ mảng dịch vụ. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Lĩnh vực bán lẻ nội địa chưa có dấu hiện phục hồi rõ nét. Xu hướng tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn. Sau những khó khăn toàn cầu, cơ cấu hàng hóa thay đổi theo hướng tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, có giá trị thấp thay cho hàng hóa có giá trị cao.
Lĩnh vực dệt may vốn được coi là “đầu tàu” trong ngành xuất khẩu, thì nay cũng phải đối mặt với nhiều thăng trầm. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Doanh thu xuất khẩu toàn ngành trong 10 tháng năm nay đạt khoảng 33 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP.HCM cho biết: Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2023 dự báo chỉ đạt khoảng 40 tỷ USD, thấp hơn mức 44 tỷ USD năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45 – 47 tỷ USD đặt ra từ đầu năm nay.
Đối với ngành gỗ, phần lớn doanh nghiệp nội thất giảm doanh thu từ 40 – 50%. Việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa thúc đẩy được tiêu dùng nội địa. Nhiều doanh nghiệp gỗ kiến nghị: Trong bối cảnh chưa giải ngân hết vốn đầu tư công, nên tập trung có các chính sách đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, chẳng hạn ưu đãi với người xây nhà mới, sửa nhà cũ…
Thị trường bất động sản có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng mới đây, đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan tới hệ thống thủ tục pháp lý đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Ông Dennis Ng Teck Yow, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết: Khó khăn về pháp lý vẫn chiếm tới 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản và gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, con số doanh nghiệp giải thể, phá sản trong những tháng tiếp theo sẽ tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất: NHNN có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản. Các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản đồng thời kéo dài thời gian cho vay với doanh nghiệp lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng, doanh nghiệp thi công để giảm áp lực cho doanh nghiệp. Thời gian qua, các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng chỉ được vay trong thời hạn từ 6 – 12 tháng, vô hình chung tạo áp lực trở lại với chủ đầu tư”, ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Gỡ vướng rào cản về thể chế
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 là rất khó khăn, trong bối cảnh rủi ro, thách thức nhiều hơn cơ hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng kỳ vọng về điểm tích cực là đà phục hồi khá rõ nét, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và triển vọng năm 2024 dự báo sẽ khả quan hơn.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên tăng xuất khẩu, thậm chí tăng nhập khẩu, sẽ có ý nghĩa với tăng trưởng. Tăng cường đầu tư công cũng là giải pháp cần nhấn mạnh bởi đà giải ngân đang tốt, dư địa còn lớn. Trong khi đó, thị trường nội địa đang suy yếu nên việc kích thích thị trường này có thể tạo lực đẩy cho tăng trưởng chung. Quan trọng hơn, thị trường nội địa cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực doanh nghiệp trong nước nên kích thích thương mại trong nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội, khi đó cùng với tăng cường đầu tư công sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho kinh tế Việt Nam”.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, năm 2024, dù còn những khó khăn, thách thức, vẫn có nhiều cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt 6 – 6,5%, song cần tháo gỡ một số rào cản để đạt được mục tiêu này.
“Trước hết, về mặt thể chế, phải tiếp tục quyết liệt hoàn thiện, tháo gỡ những ‘nút thắt’ để khơi thông nguồn lực trong nước cũng như nắm bắt nhanh những cơ hội đầu tư mới từ nước ngoài. Cần thêm các chính sách mới, như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu dùng, tiếp tục giảm thuế GTGT cũng như các chính sách hỗ trợ khác theo chu kỳ tài khóa ngược để tiêu dùng tăng, doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Việt Nam cần nắm bắt nhanh cơ hội tại các thị trường mới để mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Cùng với đó là tái cấu trúc doanh nghiệp”, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến hết năm 2023 và tầm nhìn năm 2024 -2025, nhiều chuyên gia cho rằng: Việt Nam cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh với những cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp hoạt động và từng bước chuyển đổi; tăng cường xuất khẩu, khai thác thị trường mới và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vì đây là ngành công nghiệp chủ lực để lan tỏa đến các ngành khác.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần kích thích nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn; tiếp tục thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nhằm đóng góp vào nền kinh tế, giải quyết việc làm, tạo cảm hứng phát triển.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân:
Vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp lúc này là phải phục hồi sức khỏe mới có thể hấp thụ vốn hiệu quả. Nhóm chính sách trước mắt chúng tôi kiến nghị là giảm áp lực dòng tiền và giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền của chính họ.
Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế – phí, chi phí bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn 2% quỹ lương… nằm trong không gian chính sách của Nhà nước. Do đó, Chính phủ có thể thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024, tùy độ trễ của chính sách).
Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Lãi suất thực vay phải giảm thực sự để hỗ trợ doanh nghiệp vì lãi suất cho vay hiện tại dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước; đồng thời, các ngân hàng thương mại cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.
Nên áp dụng các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, bao gồm các khía cạnh: Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa nâng cao năng lực của quốc gia. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng…; xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp. Các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường mới cũng cần đặc biệt quan tâm ở giai đoạn này.
Nhưng cần lưu ý, hiện các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ngày càng thiết lập các quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt liên quan đến xu hướng xanh hóa, giảm phát thải. Bởi vậy cần đặc biệt quan tâm các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Cần phát huy thực chất vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương.