Kon Tum: 25 hộ dân nhường đất cho công trình thủy điện tại thị trấn Đắk Hà vẫn chưa có sổ đỏ sau gần 20 năm
(Xây dựng) – Gần 20 năm trôi qua kể từ khi hàng chục hộ dân tại làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum nhường đất cho công trình thủy điện Plei Krông, hiện vẫn đang chật vật vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư mà họ đang sinh sống.
Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến 25 hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. |
Năm 2004, chính quyền địa phương đã tuyên truyền và vận động 124 hộ dân của làng Kon Trang Long Loi nhường đất để xây dựng thủy điện và di dời về khu tái định cư. Mỗi hộ được cấp hơn 400m2 đất ở, nhưng đến nay, 25 hộ trong số đó vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong số này, có 24 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, đối diện với nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Y Loan, một trong những người dân chờ đợi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chia sẻ, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần và có cán bộ xuống đo đạc, nhưng vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Ông A Thih, một người dân khác, thể hiện sự bức xúc khi những hộ dân khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi 25 hộ còn lại vẫn chưa có. Ông lo lắng về tương lai khi đến nay vẫn không có giấy tờ chứng minh phần đất đang ở tại khu tái định cư là của mình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông A Phong – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kon Trang Long Loi cho biết: “25 hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tập trung ở khu vực xóm 5 của thôn. Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến những hộ dân này gặp rất nhiều khó khăn. Hiện một số hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế nhưng không có sổ đỏ để thế chấp. Mặc dù đã có nhiều kiến nghị từ người dân tại các buổi tiếp xúc cử tri HĐND, nhưng vẫn chưa giải quyết”.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ – Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Hà cho biết: “Nguyên nhân của vấn đề này là do năm 2004 khi di dời, người dân không có quyết định cấp đất. Sau khi người dân kiến nghị thì UBND thị trấn đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xuống kiểm tra, đối chiếu hồ sơ thì đất đó lại thuộc diện đất công ích của thị trấn. Nếu cấp giấy chứng nhận, 25 hộ này sẽ phải đóng tiền thuế sử dụng đất, nhưng người dân không đồng ý. Thị trấn đã kiến nghị với các ngành chức năng tìm cách tháo gỡ vấn đề này, nhất là với những hộ dân khó khăn không thể đóng số tiền lớn đó”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi hộ dân phải đóng từ 40 – 50 triệu đồng tiền thuế để được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, số tiền này là quá lớn đối với các hộ dân ở làng tái định cư, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Vấn đề này không chỉ đặt ra nghi vấn về sự thiếu quan tâm từ chính quyền địa phương trong gần 20 năm qua đối với nguyện vọng của người dân, mà còn về quy trình và chính sách cấp đất trong dự án tái định cư.
Nguồn: Báo xây dựng