Nhà nước đóng vai trò định hướng trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho xe điện
Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông – Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc chuyển đổi sang xe điện hóa, xe thân thiện với môi trường là nhu cầu tất yếu và phù hợp với Quyết định 876/QĐ-TTg, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26. Để chuyển đổi sang xe điện hóa và xe dùng năng lượng xanh, cần tới cả nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.
Trong đó, nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Sau khi triển khai cần có những đánh giá về tác động, ảnh hưởng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Mặt khác, việc chuyển đổi cũng sẽ có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng do giá thành sản xuất xe điện vẫn cao hơn đáng kể xe dùng động cơ đốt trong (ICE).
Theo số liệu được VAMA tổng hợp, đến năm 2020, giá xe điện đang đắt hơn xe ICE khoảng 40%, chủ yếu bởi giá pin cao. Dù giá pin giảm trong tương lai thì sự chênh lệch vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, chuyển đổi sang xe điện cũng cần các nhà sản xuất ô tô bỏ chi phí nghiên cứu và đầu tư. Nếu thực hiện không cân bằng, phù hợp có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Do vậy, VAMA nhận thấy việc chuyển đổi cần được tiếp cận một cách cân bằng, phát triển hài hòa, tránh gây ra xáo trộn thị trường.
Đại diện VAMA đề xuất bổ sung xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) thuộc đối tượng xe điện hóa nói chung và được hỗ trợ chính sách. Lý do bởi hai loại xe này đã được chứng minh là thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính và đã sẵn sàng về mặt công nghệ.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Các mẫu xe HEV và PHEV đã được thương mại hóa và bán rộng rãi, phù hợp với điều kiện thực tế giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, đặc biệt phù hợp khi hệ thống cơ sở hạ tầng về trạm sạc cho xe thuần điện chưa phát triển. Đặc biệt là khi hệ số phát thải của điện lưới Việt Nam chưa đảm bảo rằng xe thuần điện có mức phát thải bằng 0 cho cả vòng đời, thậm chí là mức phát thải well-to-wheel chưa thật sự tốt hơn các loại xe hybrid nói trên. VAMA cũng mong muốn được làm rõ khái niệm “năng lượng xanh”, bao gồm những loại năng lượng nào để từ đó có sự chuẩn bị phù hợp cho việc chuyển đổi.
Để phát triển được xe điện, việc phát triển thị trường tiêu thụ xe điện là yếu tố rất quan trọng. Do đó bên cạnh việc hỗ trợ cho sản xuất trong nước, VAMA đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ cho xe điện nhập khẩu theo lộ trình. Với mục tiêu thực hiện cam kết của Việt Nam, đồng thời giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, VAMA mong muốn áp dụng phương pháp giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung (CAFE).
Hiện tại, VAMA và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đang triển khai dự án nghiên cứu về giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô, xe máy nhằm có được những đánh giá và đề xuất khả thi, cũng như tham gia đóng góp với Bộ GTVT trong việc xây dựng quy định mới về giới hạn tiêu thụ nhiên liệu cho ô tô và xe máy.
Đại diện VAMA cũng nêu đề xuất không ra chính sách hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng xe điện như một biện pháp thị trường nhằm điều tiết cung và cầu.
Về đề xuất nhiệm vụ của Bộ Tài chính xây dựng thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong giai đoạn 2023-2024, VAMA kiến nghị bỏ nhiệm vụ này vì không phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong Quyết định 876/QĐ-TTg. Các giải pháp chính sách cần cân đối theo lộ trình đã đề ra để có thời gian và nguồn lực chuyển đổi.
Bảo Lâm