Khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ
(Xây dựng) – Ngày 17/11, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ 16 và triển khai Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở Khoa học công nghệ vùng Đông Nam bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ. |
Tại hội nghị, ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Mặc dù, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, tuy nhiên, trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp, hoạt động đổi mới công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Những kết quả đạt được trong hoạt động khoa học công nghệ thời gian qua còn chưa tương xứng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có của vùng, chưa thực sự trở thành động lực để duy trì, phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, cần có những cơ chế chính sách cho khoa học công nghệ.
Hội nghị giao ban khoa hoạc và công nghệ Vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại Bình Dương. |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương.
Thảo luận về các giải pháp trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương thời gian qua, nhiều đề tài tham luận đã được các đại biểu trình bày tại hội nghị như: Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023; đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh vùng Đông Nam bộ; ứng dụng các thành tự khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao và đưa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn; doanh nghiệp gỗ Bình Dương trong tiến trình phát triển của công nghiệp gỗ Việt Nam và trong bối cảnh thay đổi xu hướng tiêu dùng và thương mại gỗ toàn cầu.
Ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương trình bày tham luận với chủ đề “Doanh nghiệp gỗ Bình Dương trong tiến trình phát triển của công nghiệp gỗ Việt Nam và trong bối cảnh thay đổi xu hướng tiêu dùng và thương mại gỗ toàn cầu”.
Trong thực tế triển khai các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn những vướng mắc, bất cập. Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, việc ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. Thông qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong các cơ chế thực hiện các chính sách.
Bước sang giai đoạn mới, Bình Dương xác định khoa học công nghệ là phương tiện cấp thiết để hỗ trợ tỉnh vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực để tỉnh phát triển, hướng đến thành phố thông minh, kinh tế số, kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương chia sẻ, hiện lĩnh vực khoa học công nghệ rất cần sự hỗ trợ nguồn nhân lực, biên chế trong điều kiện cơ chế tài chính khá phức tạp của ngành. Cơ chế của khoa học công nghệ là cơ chế rất trừu tượng. Do đó, rất cần Nhà nước ban hành những chính sách thật cụ thể và xác thực với thực tế để chính sách thật sự mang lại những giá trị cần thiết cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.
Các ý kiến cũng như những đề xuất của các địa phương đã được đại diện các cơ quan liên quan giải đáp tại hội nghị. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị lãnh đạo các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ các phương án hỗ trợ, xử lý. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những ý kiến đóng góp thật chi tiết, cụ thể, đồng thời có những đề xuất giải pháp để Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ sở những nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách phù hợp thực tiễn nhất.
Riêng đối với tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới sẽ huy động, tập trung trí tuệ, tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, bền vững. Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Bình Dương mong muốn thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết nội Vùng nói riêng và cả nước nói chung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực thúc đẩy tích cực cho tăng trưởng kinh tế vùng”.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các Sở Khoa học và Công nghệ vùng Đông Nam bộ trong liên kết, chia sẻ dữ liệu, thông tin hoạt động của sàn giao dịch công nghệ đã được diễn ra trong khuôn khổ hội nghị. Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 17 năm 2025 sẽ do Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bình PhướcK đăng cai tổ chức.
Nguồn: Báo xây dựng