Giảm lượng khí độc CO trong khí quyển nhờ sự can thiệp của con người

Giảm lượng khí độc CO trong khí quyển nhờ sự can thiệp của con người

Sự can thiệp của con người trên toàn cầu cuối thế kỷ 20 đã thành công khi ổn định mật độ carbon monoxide (CO) trong khí quyển. Thành công này được đề cập trong một nghiên cứu công bố ngày 16/11.

Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) phối hợp thực hiện, qua đó ghi được số liệu hoàn chỉnh đầu tiên về mật độ CO trong khí quyển ở bán cầu Nam.

CO là một loại khí độc hại tác động đến biến đổi khí hậu bằng cách phản ứng với khí hydroxyl – loại khí loại bỏ một cách tự nhiên các loại khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu khỏi khí quyển. Phản ứng của CO làm giảm lượng khí hydroxyl trong khí quyển.

Bằng cách đo không khí ở băng vùng cực, các nhà khoa học đo được mật độ CO trong khí quyển trong 3 thiên niên kỷ qua.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo ông David Etheridge, nhà khoa học khí quyển thuộc CSIRO, cho biết dữ liệu ghi chép cho thấy CO trong khí quyển bắt đầu tăng vào thời điểm diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp và tăng tốc trong hầu hết các năm của thế kỷ 20.

Tuy nhiên, mật độ CO đã ổn định hoặc thậm chí có xu hướng giảm kể từ cuối những năm 1980 – trùng hợp với sự ra đời của bộ chuyển đổi xúc tác trong ôtô.

Đây là thiết bị kiểm soát khí thải giúp chuyển đổi khí thải độc hại, bao gồm CO, thành các chất ô nhiễm ít độc hại hơn. Bộ chuyển đổi xúc tác được trang bị bắt buộc trên tất cả các ôtô mới ở Australia kể từ năm 1986 và ở Liên minh châu Âu kể từ năm 1993.

Theo ông Etheridge, việc ổn định mật độ CO kể từ những năm 1980 là một ví dụ tuyệt vời về vai trò của khoa học và công nghệ. Ông cho rằng sự ổn định CO đã cho phép hydroxyl giảm lượng khí nhà kính như metan trong khí quyển một cách hiệu quả hơn.

Thiên Bảo (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích