Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép bao giờ chấm dứt?
Gia Lai: Khai thác khoáng sản trái phép bao giờ chấm dứt?
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cơ quan chức năng và chính quyền có những động thái, nhưng rồi chuyện đâu lại vào đấy.
Chính quyền ở đâu?
Vừa qua, tình trạng khai thác đất san lấp, đất sét và cát xây dựng trái phép như “trẩy hội”, các hành vi vi phạm diễn ra ngang nhiên giữa ban ngày trên địa bàn xã Ia Piơr, Ia Lâu thuộc huyện Chư Prông nhưng không bị ai kiểm tra, xử lý; đến các hoạt động khai thác đá trái pháp luật liên tiếp được ghi nhận tại xã Hbông, Ia Pal của huyện Chư Sê…
Đến nay sự việc vẫn chưa được chính quyền địa phương có thông tin phản hồi chính thức. Thì mới đây, các hoạt động khai thác trái phép nêu trên vẫn ồ ạt diễn ra như thách thức dư luận.
Tại địa bàn xã Ia Boòng, huyện Chư Prông nơi khu vực khai thác đất đá trái phép được ghi nhận 6/11, thì đến ngày 10/11 hoạt động đào bới, vận chuyển đá vẫn diễn ra với quy mô lớn hơn.
Khác những lần trước, đào đá và cho người khoan đập tại chỗ, thì nay toàn bộ số đá sau khi bị đào bới được những người tại đây cho xe đào chuyển đá lên xe ben để chở đi nơi khác.
Các hoạt động khai thác rầm rộ, vận chuyển chỉ cách UBND xã Ia Boòng chưa đầy 700m. Cũng tại vị trí này, nhiều lần chính quyền lập biên bản nhưng không được xử lý dứt điểm, để người dân thường xuyên khai thác, vận chuyển đá trái phép trong thời gian dài.
Không riêng tại khu vực này, nhiều vị trí khai thác đá trái phép trên địa bàn huyện Chư Prông vẫn diễn ra như chưa hề có sự kiểm tra, xử lý nào từ cơ quan chức năng. Cả việc, toàn bộ gần 100m3 đá bazan tại làng Klũ, thôn Thanh Bình bị UBND xã Ia Đrang bắt quả tang, lập biên bản xử lý vào 8/2022, đến này toàn bộ tang vật gần như đã “không cánh mà bay”, hiện trường chỉ còn là bãi đất trống với vô số mảnh đá vỡ còn sót lại. Tang vật vi phạm không được quản lý sau khi lập biên bản, UBND xã có trách nhiệm thế nào trong sự việc này?
Tại huyện Chư Sê, ngày 8/11, sau khi ghi nhận được thông tin có hoạt động khai thác, vận chuyển đá trái phép đang diễn ra tại thôn Phú Cường, xã Ia Pal, PV có liên hệ Phòng TNMT huyện để kiểm tra, xử lý.
Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng TNMT phối hợp lực lượng công an huyện Chư Sê, UBND xã Ia Pal tiến hành xác minh và phát hiện quả tang hoạt động đào đất, đá tại khu vực ruộng với thiết bị là xe máy đào màu đỏ đang hoạt động. Biên bản được lập sau đó và hành vi khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang được xác minh, thì ngày 14/11 trở lại hiện trường ghi nhận thì số đá bị đào bới đang bị khoan tách thành đá xây dựng để đưa đi tiêu thụ.
Cùng trên địa bàn huyện Chư Sê, tại xã Hbông nơi liên tục có hoạt động khai thác đá trai phép nhưng các cấp chính quyền không xử lý dứt điểm. Các phương tiện máy đào, xe tải chở đá trái phép thường xuyên hoạt động mà không cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý.
Ngày 7/11 vừa qua, khi phát hiện khu vực khai thác, sản xuất đá xây dựng quy mô lớn, PV có thông tin đến phòng chức năng và UBND xã HBông, tuy nhiên, khi đến nơi toàn bộ số đá đã bị đưa đi khỏi hiện trường.
Thất thoát tài nguyên, môi trường bị hủy hoại!
Theo ghi nhận của PV, hoạt động khai thác cát xây dựng tại xã Hà Tây và Đăk Tơ Ve đang có nhiều dấu hiệu sai phạm. Tại mỏ cát Hưng Cường, việc tập kết vận chuyển cát sau khai thác theo lối mở trái phép vào đường sản xuất của dân, gây hư hỏng đường bê tông. Mỏ cát sau nhiều năm vận hành, khai thác chưa lắp đặt cân tải trọng theo quy định.
Gần đó là một số mỏ cát khác dù được cấp phép khai thác nhưng các quy định về bãi tập kết, cân tải trọng, camera giám sát … vẫn chưa được các đơn vị mỏ chấp hành theo hướng dẫn.
Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng TNMT huyện Chư Păh cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tiến hành giám sát, yêu cầu lắp đặt nhưng chủ mỏ vẫn chưa chấp hành. Việc xử lý chỉ ở mức cảnh cáo, chế tài xử lý khó.
Hành vi khai thác ồ ạt, ngoài khu vực được cấp phép, không tuân thủ các quy định về giám sát tải trọng, vận chuyển cát theo lối mở riêng đã gây hư hỏng đường giao thông, sạt lở đất sản xuất của người dân trong vùng. Để hạn chế tình trạng này, rất cần chính quyền của huyện Chư Păh có sự giám sát, chỉ đạo xử lý mạnh hơn.
Tương tự, tại huyện Kông Chro vấn nạn khai thác đá trái phép thường xuyên diễn ra, mặc các cơ quan báo chí có phản ánh, việc đào bới, vận chuyển đá trái phép vẫn hoạt động giữa ban ngày.
Sau nhiều lần ghi nhận, tại khu vực thị trấn Kông Chro liên tục có người vận hành thiết bị máy đào cả đêm lẫn ngày để khoét sâu vào các đồi đất lật từng khối đá to nhỏ ra khỏi lòng đất.
Sau đó, các xe tải được điều động đến để di chuyển toàn bộ số đá trên tập kết về khu vực sản xuất. Từ đây, những khối đá vừa “đục khoét” tiếp tục được đội công nhân khoan tách sản xuất ra nhiều dạng đá xây dựng khác nhau và đưa đến tay người tiêu thụ.
Hoạt động khai thác tài nguyên, hủy hoại môi trường tại huyện Kông Chro đã diễn ra trong thời gian dài, có nơi đào bới, sản xuất không đúng quy định nhưng được tập trung sản xuất, kinh doanh như một công xưởng được chính quyền cấp phép.
Để tài nguyên bị khai thác trái phép trong thời gian dài, đổi lại là những tờ “biên bản” lập cho qua chuyện. Phải chăng, các cấp chính quyền của tỉnh Gia Lai chưa thực sự quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên của địa phương? Nạn trộm cắp tài nguyên trong tỉnh bao giờ chấm dứt?
Liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cả ngày lẫn đêm trên địa bàn huyện Kông Chro, ngày 13/11/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai có văn bản gửi đến UBND huyện.
Nội dung nêu: Thực hiện Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 30/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về phân công trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và Ủy ban nhân dân thị trấn Kông Chro tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản đá trái phép tại khu vực nêu trên theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/11/2023 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị