Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên năm 2023
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên năm 2023
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã thu hút 677 sinh viên và 194 giảng viên tham gia, với tổng số 185 đề tài nghiên cứu. Nhiều sinh viên đã khẳng định được những bước đi ban đầu trong nghiên cứu khoa học.
Ngày 15/11, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên năm 2023, nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên, khơi gợi nhiều ý tưởng, sáng kiến mới, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào sinh viên NCKH nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH của Nhà trường nói chung.
Theo TS.KTS Ngô Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, NCKH được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đặc biệt ngày nay khi các phương thức đào tạo của trường đại học đang được tiếp cận theo chiều hướng mới, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức, lý luận thực tiễn thông qua nhiều hình thức và phương pháp hiệu quả, trong đó thực hiện NCKH được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như kỹ năng mềm của bản thân, là cơ hội để sinh viên áp dụng những lý thuyết đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
NCKH không chỉ cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích mà còn tạo cho sinh viên tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho sinh viên cách nhìn nhận một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía, ý thức được vai trò và lợi ích từ hoạt động NCKH.
Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực ở trình độ cao và chuyển giao công nghệ tiên tiến chất lượng, Nhà trường đã trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng NCKH để hỗ trợ cho hoạt động học tập, chuẩn bị cho sinh viên hành trang tốt sau khi ra trường.
TS.KTS Ngô Thị Kim Dung cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng đề tài nghiên cứu, các sinh viên cần phát huy sáng tạo, tích cực hơn nữa trong phong trào NCKH, các thầy cô giáo và các đơn vị cần nghiên cứu, cần đổi mới nội dung phương thức để tổ chức phong trào NCKH sinh viên phù hợp khả năng và nguyện vọng của sinh viên; phù hợp mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo mà sinh viên đang theo học; phù hợp với định hướng hoạt động KHCN của Nhà trường; phát huy tiềm năng nổi trội và thế mạnh của sinh viên khối ngành kiến trúc nghệ thuật để thể hiện bản sắc và thế mạnh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo, góp phần ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn; phải phù hợp với những quy định và pháp luật hiện hành về hoạt động KH&CN; Cần phải có sự phối hợp liên kết, để mỗi sinh viên có thể phát huy tốt từng lĩnh vực và sẽ đạt được những kết quả toàn diện hơn.
Đặc biệt cần tổ chức hoạt động truyền thông về KH&CN, nhằm nâng cao nhận thức về đạo đức nghiên cứu, về sở hữu trí tuệ trong sinh viên, giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết quả NCKH của sinh viên tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Theo TS Lê Thị Minh Phương, Trưởng phòng KHCN , hoạt động NCKH sinh viên lần này đã thu hút 677 sinh viên và 194 giảng viên tham gia. Với tổng số 185 đề tài nghiên cứu từ các khoa/viện: Kiến Trúc, Xây dựng, Quy hoạch, Quản lý đô thị, Đô thị, Nội thất, Thiết kế mỹ thuật, Công nghệ thông tin, Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế. Trong đó có 07 giải Nhất, 24 giải Nhì và 41 giải Ba.
Đáng chú ý, Nhà trường đã gửi các đề tài của sinh viên trong trường tham dự Giải thưởng Sinh viên NCKH của Bộ GD&ĐT và đã đạt 01 giải ba và 02 giải khuyến khích.
Theo TS Lê Thị Minh Phương, các công trình nghiên cứu của sinh viên đều hướng đến giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế – xã hội, khẳng định những bước đi ban đầu của sinh viên và hứa hẹn những mùa NCKH thành công hơn nữa ở các năm học tiếp theo. Bên cạnh đó, các Khoa/Viện đã tích cực, chủ động, nghiêm túc khi triển khai, tổ chức các hoạt động KH&CN sinh viên. Các thầy, cô hướng dẫn đã đóng góp công sức, tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm với hoạt động KH&CN sinh viên.
Tuy nhiên, ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, trong hoạt động NCKH vẫn còn có những khó khăn và hạn chế nhất định như: Chất lượng, tính sáng tạo của các đề tài NCKH của sinh viên chưa cao, ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế và mang tính định tính; sự kết nối giữa các Khoa/Viện với các doanh nghiệp chưa nhiều nên các đề tài nghiên cứu ít có cơ hội được tiếp cận thực tế sản xuất và ứng dụng trong thực tiễn…
TS Lê Thị Minh Phương đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động NCKH sinh viên trong thời gian tới như: Gắn sinh viên NCKH với hoạt động khởi nghiệp; xác định hoạt động KH&CN sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên, là chỉ tiêu đánh giá năng lực, đánh giá thi đua đối với từng đơn vị và cá nhân; tạo cho sinh viên tính chủ động trong NCKH bằng cách tạo nhiều sân chơi cho các hoạt động KH&CN sinh viên trong và ngoài Trường; tăng kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động khoa học…
TS.KTS Phạm Khánh Toàn, Đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có những chia sẻ thiết thực về kinh nghiệm thực tế trong hoạt động NCKH, cũng như các kỹ năng cần thiết để hành nghề KTS cho các sinh viên của Trường; gợi ý cho sinh viên biết cách phát hiện các ý tưởng và lựa chọn đề tài NCKH xuất phát từ những vấn đề rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của mỗi người./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị