Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học công nghệ xây dựng tự hào đã, đang và luôn nỗ lực đồng hành, tạo dựng ngày một nhiều hơn những giá trị mới, hiện đại và bền vững cho sự phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã lớn mạnh vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn cho công tác quản lý nhà nước của ngành Xây dựng, xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhìn lại chặng đường đã qua, các thế hệ cán bộ, viên chức người lao động Viện luôn tự hào, tiếp tục nỗ lực hướng tới sự phát triển toàn diện trong giai đoạn tới.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Viện trưởng Nguyễn Hồng Hải

60 năm “lửa thử vàng”

Cách đây 60 năm, Viện Khoa học công nghệ xây dựng được thành lập với tên gọi ban đầu là Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng, trực thuộc Bộ Kiến trúc, với 59 cán bộ, trong đó 12 cán bộ có trình độ đại học. Đến tháng 11/1963, Viện xây dựng xong cơ sở vật chất và đi vào hoạt động, từ đó lấy ngày 18/11 là ngày truyền thống của đơn vị.

Ngày 16/10/1974, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra quyết định đổi tên thành Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng – trực thuộc Bộ Xây dựng. Ngày 11/12/1996, Bộ Xây dựng quyết định đổi tên và mang tên Viện Khoa học công nghệ xây dựng từ đó đến nay.

60 năm “lửa thử vàng”, trong suốt chặng đường dài, lớp lớp cán bộ, công nhân viên của Viện không ngừng phấn đấu, đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển Viện Khoa học công nghệ xây dựng trở thành đơn vị hàng đầu của Bộ Xây dựng. Trong suốt 60 năm qua, Viện đã đóng góp nhiều thành tích trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, áp dụng thành công nhiều kết quả nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn, tạo dựng uy tín với các cơ quan quản lý nhà nước và niềm tin với đối tác.

Ngày nay, Viện là tổ chức khoa học và công nghệ với chức năng và nhiệm vụ chính được Bộ Xây dựng giao gồm: Phục vụ quản lý nhà nước; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hợp tác quốc tế và thông tin về khoa học công nghệ xây dựng; Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trong hoạt động xây dựng.

Đến nay, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã lớn mạnh, tổng số hơn 600 cán bộ công nhân viên, với 6 giáo sư, phó giáo sư; 35 tiến sĩ và 132 thạc sĩ. Viện có 21 đơn vị trực thuộc, gồm 3 phòng chức năng, 3 Viện nghiên cứu chuyên ngành Bê tông, Địa kỹ thuật, Kết cấu; 2 phân viện tại miền Nam và miền Trung; 12 trung tâm và 1 Công ty cổ phần hoạt động trên phạm vi toàn quốc và khu vực. Với 11 phòng thí nghiệm chuyên ngành đặt tại Bắc, Trung, Nam, Viện đã thực hiện tất cả các thí nghiệm trong phòng và hiện trường về vật liệu, cấu kiện xây dựng, địa kỹ thuật, kết cấu công trình, ăn mòn, môi trường và tiết kiệm năng lượng. Cùng với các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về cháy, gió bão, động đất tập trung nghiên cứu về phòng chống cháy và phòng chống thiên tai.

Với các chuyên gia hàng đầu và hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đồng bộ, tiên tiến, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phục vụ quản lý nhà nước, giải quyết các vấn đề kỹ thuật phức tạp của Bộ, ngành. Viện luôn khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong lĩnh vực xây dựng. Với những đóng góp đó, Viện luôn được các Bộ, ban, ngành tin tưởng giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ chính trị, các công trình trọng điểm trong toàn quốc, như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Nhà Quốc hội – Hội trường Ba Đình mới, tham gia thực hiện ba dự án phân giới cắm mốc Việt – Trung; Việt – Lào và Việt Nam – Campuchia; Trung tâm hội nghị quốc gia; Bảo tàng Hà Nội. Gần đây là công trình Nhà Quốc hội Lào, công trình chính trị đặc biệt thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam tặng nước bạn Lào anh em.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Một số cán bộ của Viện ngày đầu thành lập, năm 1963.

Viện cũng đã giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp của ngành, cũng như hỗ trợ chuyên gia cho nhiều công trình trọng điểm, từ các nhà máy xi măng, như: Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên, Sông Gianh… đến các công trình năng lượng như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình; Tư vấn xử lý kỹ thuật cho Thủy điện Sông Tranh, Thủy điện Sơn La; Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại; cụm khí – điện – đạm Phú Mỹ…; các Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Long Sơn…; các công trình văn hóa – thể thao: Khu liên hợp thể thao quốc gia, sân vận động Mỹ Đình, Nhà thi đấu Quảng Ninh…

Tư vấn xử lý kỹ thuật công trình được coi là thế mạnh của Viện trong nhiều năm qua, được minh chứng thông qua việc xử lý chống lún Kho cảng Thị Vải, sự cố cầu Cần Thơ; hầm dìm Thủ Thiêm, hầm chui Văn Thánh, sập giàn giáo Formusa, Tháp ăng ten, giám định nguyên nhân đổ tường nhà công nghiệp, kiểm định sau cháy Công trình Carina Plaza, 1 số đoạn đường dây 500KV và đánh giá nhiều nguyên nhân sự cố khác…

Các nhóm cán bộ chuyên gia của viện là những người tiên phong trong nghiên cứu, áp dụng công nghệ xây dựng mới, từ Khách sạn Thăng Long – công trình cao tầng đầu tiên ở miền Bắc những năm 1980, cho đến những công trình siêu cao tầng, những tổ hợp công trình lớn như Lanmank 81 tầng, Keangnam 70 tầng, Lotte Đào Tấn 68 tầng, Lotte Nhật Tân,… Viện cũng là địa chỉ tin cậy của các Bộ ngành trong các công trình trọng điểm như Trụ sở Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Sân Bay Long Thành, Trung tâm chính trị – hành chính Hải Phòng, trung tâm hội nghị biểu diễn thành phố và nhiều công trình khác.

Nghiên cứu khoa học, áp dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến

Sự phát triển của Viện Khoa học công nghệ xây dựng ngày hôm nay dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, áp dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến, đồng hành cùng các giai đoạn phát triển của đất nước. Các kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng. Với năng lực nghiên cứu trong khoa học công nghệ, Viện đã được Bộ Xây dựng tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như dự thảo Chiến lược Khoa học công nghệ ngành Xây dựng trong các giai đoạn.

Hơn nửa thế kỷ qua, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đã thực hiện hơn 200 đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng và biên soạn hơn 600 dự thảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho ngành Xây dựng. Từ thập niên 70, Viện đã nghiên cứu và làm chủ được những công nghệ như kích nâng sàn, nâng vật nặng lên cao, thi công lắp ghép tấm lớn. Xử lý nền móng trong điều kiện bất lợi, đá phong hóa, hang caster và nhiều kỹ thuật, công nghệ đặc thù khác. Thập niên 80, Viện đã phát triển kỹ thuật gia cố, xử lý nền móng, móng cọc tiết diện nhỏ, cùng sự hợp tác quốc tế đầu tiên với Viện Địa kỹ thuật Hoàng Gia Thụy Điển. Trong lĩnh vực vật liệu, Viện là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu phát triển bê tông chống nứt, thi công bê tông khối lớn. Thập niên 90, Viện đã thành công trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ứng lực trước. Sau năm 2000, cùng với sự phát triển của đất nước, Viện được Bộ Xây dựng quan tâm đầu tư trang thiết bị và hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm, nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện. Trong đó, kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật đa ngành cho thiết kế, thi công nhà cao tầng ở Việt Nam (2003) đã tạo ra bước tiến mới trong xây dựng, tạo sự thay đổi lớn từ khảo sát, thiết kế, kiểm soát chất lượng nền móng, vật liệu, kết cấu đến giải pháp thi công và từng bước làm chủ công nghệ xây dựng, từ công trình có quy mô thấp tầng lên các nhà cao tầng ở Việt Nam. Ngoài ra, Viện cũng đã thực hiện một số chương trình lớn của Bộ như: Chương trình biển đảo, chương trình tro xỉ, vật liệu không nung.

Đặc biệt, năm 2018, Viện được Bộ giao là đơn vị đầu mối thực hiện đề án 198 của Thủ tướng Chính phủ về “Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành Xây dựng trong giai đoạn 2018 – 2021, tầm nhìn 2030”. Hai nhiệm vụ quan trọng giao cho Viện thực hiện là “Quy hoạch hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng” và “Định hướng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam lĩnh vực xây dựng”, có ý nghĩa then chốt, tác động sâu rộng đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành Xây dựng trong thời gian tới.

Trong tổng số 28 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Xây dựng ban hành, Viện đã chủ trì biên soạn 17 quy chuẩn. Trong đó, có thể kể đến một số quy chuẩn quan trọng như Quy chuẩn 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, Quy chuẩn 04 về nhà chung cư, Quy chuẩn 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình,… Với khoảng 600 dự thảo TCVN đã được Viện biên soạn, trong đó có nhiều tiêu chuẩn quan trọng đã được ban hành như tải trọng và tác động, khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu các lĩnh vực vật liệu, địa kỹ thuật, kết cấu, trắc đạc, ăn mòn, tiết kiệm năng lượng,… các tiêu chuẩn này đã đóng góp đặc biệt trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ cho ngành, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
IBST là đơn vị tư vấn thẩm tra công trình Landmark 81.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ chính của Viện như: Lĩnh vực nghiên cứu về kết cấu và công nghệ xây dựng, Viện đã thực hiện nhiều đề tài lớn, biên soạn nhiều tiêu chuẩn quan trọng liên quan đến điều kiện tự nhiên, tải trọng tác động, thiết kế kết cấu bê tông, kết cấu thép, kết cấu gạch đá… Gần đây, Viện đã hình thành một số nhóm nghiên cứu chuyên sâu, có tính định hướng cao về kết cấu nhà cao tầng, kết cấu liên hợp, kết cấu composite, kết cấu công trình biển đảo, hệ mặt dựng cho nhà cao tầng và phòng chống cháy…

Trong lĩnh vực bê tông và vật liệu xây dựng, nhiều đề tài nghiên cứu về đặc tính kỹ thuật của bê tông, bê tông khối lớn, bê tông đầm lăn, bê tông tự lèn, bê tông cường độ cao và siêu cao, công nghệ bê tông cho nhà cao tầng, bê tông nhẹ, phòng chống nứt cho bê tông đã được triển khai cùng với nghiên cứu sản xuất các loại vật liệu, vữa, sơn, phụ gia, hóa phẩm xây dựng mới, đi cùng sửa chữa các kết cấu bê tông chịu tác động ăn mòn trong môi trường công nghiệp, vùng ven biển.

Lĩnh vực địa kỹ thuật và nền móng công trình, Viện đã biên soạn nhiều tiêu chuẩn về địa kỹ thuật, đã chủ trì nhiều đề tài lớn và làm chủ được những công nghệ phức tạp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như xử lý nền đất yếu, xây chen, công trình ngầm đô thị, hố đào sâu, móng cọc khoan nhồi cho nhà cao tầng, xử lý nền móng trong điều kiện bất lợi và nhiều kỹ thuật, công nghệ đặc thù khác.

Đối với lĩnh vực trắc địa công trình, Viện tiên phong trong việc ứng dụng, chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến vào Việt Nam thông qua các đề tài nghiên cứu, như ứng dụng công nghệ trắc đạc truyền thống và trắc đạc hiện đại. Xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn trong lĩnh vực trắc đạc.

Trong công tác phòng chống thiên tai, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu và hỗ trợ chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, đào tạo giải pháp giảm thiểu thiệt hại gió bão, lốc và động đất.

Công tác trùng tu di tích, Viện đã trở thành đơn vị tin cậy, có kinh nghiệm thông qua việc thực hiện tu bổ, trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại nhiều công trình kiến trúc cổ, công trình di tích cấp quốc gia như: Tháp Chămpa, Tháp Chăm Hòa Lai, Tháp Mỹ khánh, Tháp Phước Duyên, Tử cấm thành, Đại Nội Huế, Cung An Định, Điện Kiến trung…

Ông Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng IBST cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và các cán bộ trong Viện đã hoàn thành những nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, chất lượng, góp phần đảm bảo công tác quản lý nhà nước kịp thời, chắc chắn, giải đáp được những băn khoăn của xã hội.

Viện Khoa học công nghệ xây dựng: Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Trụ sở Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

Xứng danh đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Chia sẻ về những kết quả quan trọng IBST đã đạt được, các chuyên gia cho rằng, IBST là một trong những cơ quan đầu ngành của Bộ Xây dựng về lĩnh vực biên soạn các quy chuẩn, tiêu chuẩn, góp phần tạo dựng hành lang kỹ thuật phục vụ các hoạt động xây dựng trong cả nước. Các tài liệu kỹ thuật do Viện biên soạn đã đi sâu vào cuộc sống, được áp dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, Viện còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm của Ngành, đáp ứng yêu cầu của các cấp quản lý và nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Viện luôn quan tâm, chú trọng đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia giỏi về chuyên môn. Cùng với việc đào tạo nghiên cứu sinh, Viện cử cán bộ đào tạo trong nước và nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, Viện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên, thí nghiệm viên cho ngành.

Để có được những tri thức, công nghệ xây dựng mới trên thế giới, Viện đã đầu tư hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ trong nước, mở rộng hợp tác quốc tế với: Nga, Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và nhiều nước khác.

Được lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế và kinh phí nghiên cứu, các cán bộ của Viện có môi trường tốt nhất để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo để làm ra những sản phẩm khoa học có giá trị, đóng góp thiết thực cho Nhà nước và xã hội.

Dưới chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Viện đã có những phát triển vượt bậc trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất kinh doanh, xây dựng Viện thành một thương hiệu mạnh, có tính cạnh tranh cao trong các lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định, tư vấn, thi công xây dựng… Các cán bộ của Viện được đảm bảo đầy đủ mọi chế độ theo quy định của Nhà nước, đời sống được nâng cao. Viện đã xây dựng được một hệ thống các văn bản, quy chế quản lý toàn diện, minh bạch, dân chủ, gắn quyền lợi với trách nhiệm rõ ràng của từng chủ thể tham gia hoạt động, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định. Bên cạnh đó, Viện luôn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào của Bộ, ngành, giữ gìn quan hệ tốt với chính quyền và dân cư địa phương.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, với sự nỗ lực và những thành tích đạt được, Viện Khoa học công nghệ xây dựng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều năm liên tục được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và bằng khen, và nhiều bằng khen của các Bộ, ngành khác và một số địa phương trong cả nước.

Mục tiêu cho chặng đường mới

Những thành tích quan trọng mà IBST đã đạt được trong 60 năm qua là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của Ban Cán sự Đảng và Bộ Xây dựng. Đây là sự đoàn kết, nhất trí, sự nỗ lực, lao động, sáng tạo của toàn thể cán bộ, chuyên gia, công nhân viên và người lao động của nhiều thế hệ trong Viện.

Về mục tiêu trọng tâm của Viện trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Hồng Hải – Viện trưởng IBST cho biết: Tập thể cán bộ Viện Khoa học công nghệ xây dựng, quyết tâm không ngừng nghiên cứu, phấn đấu, đổi mới để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được Bộ Xây dựng và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Viện tin tưởng giao phó, tiếp tục con đường phát triển, đưa Viện trở thành đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong ngành Xây dựng, cũng như tạo ra ngày một nhiều giá trị cho khách hàng, đối tác và chủ đầu tư.

Trải qua chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học công nghệ xây dựng tự hào đã, đang và luôn nỗ lực đồng hành, tạo dựng ngày một nhiều hơn những giá trị mới, hiện đại và bền vững cho sự phát triển của ngành Xây dựng Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích