Hủy quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai
Theo đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận đơn đề nghị xem xét lại Quyết định mở thủ tục phá sản của DLG. Sau khi xem xét, TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 09 tháng 10 năm 2023 của TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Quyết định này có hiệu lực pháp luật từ ngày 10/11/2023, do Thẩm phán – Tổ trưởng Nguyễn Tấn Long ký.
Trước khi ra quyết định không tổ chức đối thoại hai bên
Tại Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9/10/2023 của TAND tỉnh Gia Lai căn cứ vào Điều 9, Điều 42 và Điều 66 của Luật Phá sản để ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với DLG, theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đơn đề nghị xem xét lại ngày 13/10/2023 và đơn bổ sung ngày 19/10/2023 của ĐLGL đã nêu, hiện Công ty không mất khả năng thanh toán, không lâm vào phá sản, số tiền phải thanh toán là rất nhỏ và đang thực hiện trả nợ cho Lilama 45.3 theo Thi hành án.
Quyết định thi hành án số 1044/QĐ-CCTHADS ngày 15/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Pleiku đã căn cứ Bản án số 03/2023/KDTM-PT ngày 08/02/2023 của TAND tỉnh Gia Lai, đã cho thi hành án là DLG với số tiền hơn 17,127 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 14,764 tỷ đồng).
Theo ĐLGL, TAND tỉnh Gia Lai không lập Tổ Thẩm phán và trước khi ra Quyết định không tổ chức cuộc họp để hai bên đối thoại, thương thảo thanh toán nợ là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, gây thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu của Công ty; không lường hết mọi hệ quả nếu hàng ngàn lao động mất việc làm.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng nêu rõ: Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và đồng thời tạo điều kiện cho hai công ty thương lượng thanh toán nợ.
DLG là Công ty hoạt động đa ngành nghề, có nhiều chi nhánh và cơ sở hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh bình thường, có nhiều công nhân lao động. Theo báo cáo tài chính trong 03 năm gần đây và 09 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh có lợi nhuận.
Kể từ ngày có Quyết định Thi hành án đến ngày 08/11/2023, DLG đã chuyển trả nợ cho Lilama 45.3 tổng cộng 4 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện theo quyết định thi án. Đây là tình tiết mới chứng minh Tập đoàn Đức Long Gia Lai không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có thiện chí trả nợ.
Ai chịu về thiệt hại nặng nề của DLG?
DLG là Công ty đại chúng, hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực. Hiện tại, Công ty này có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện, bất động sản trong nhiều tỉnh, thành phố, có tài sản ở nước ngoài (Công ty TNHH Mass Noble Investment), với tổng số lao động hơn 15.000 người (trong đó khoảng 30% là lao động tại địa phương), có cả lao động nước ngoài tại Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc.
DLG là công ty đại chúng niêm yết trên Sàn chứng khoán HOSE với gần 50.000 cổ đông, vẫn đang hoạt động bình thường theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Công ty có tài sản trên 10.000 tỷ đồng và nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nợ phải thu khá lớn từ các đối tác, khách hàng.
Ông Nguyễn Tường Cọt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, thời gian qua, cùng lúc DLG phải trả nợ theo thi hành án, vừa bị TAND tỉnh Gia Lai ra Quyết định mở thủ tục phá sản, tạo ra làn sóng dư luận không tốt gây thiệt hại nặng nề, không đo đếm được về uy tín thương hiệu; các cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng, người lao động hoang mang, bất an cả tinh thần và vật chất. Đặc biệt, kể từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản, cổ phiếu DLG liên tục giảm sàn, gây thiệt hại nặng nề cho cổ đông, nhà đầu tư. Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh, dòng tiền giao dịch thông qua ngân hàng đều ách tắc. Các dự án đang thi công gấp rút để đưa vào vận hành, bị chậm tiến độ… Những thiệt hại trên, ai là người chịu trách nhiệm?
“Kể từ khi DLGL nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến nay, Công ty chưa nhận được Quyết định thành lập Tổ Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Chánh án TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty theo quy định của Luật Phá sản. Tất cả các văn bản tố tụng của TAND tỉnh Gia Lai ban hành giải quyết vụ việc đều do 01 thẩm phán ký.
Theo tôi, việc một thẩm phán tiến hành thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG và trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản đã không thực hiện đầy đủ hành vi tố tụng được quy định tại Điều 42 Luật Phá sản là không phù hợp với quy định pháp luật, không lường hết mọi hệ quả xảy ra”, Tổng Giám đốc Tập đoàn DLG nói thêm.
Luật sư Lê Lu – Đoàn Luật sư Gia Lai, chia sẻ quan điểm: “Kinh tế luôn gắn kết với chính trị, hoạt động của doanh nghiệp luôn tác động đến tình hình kinh tế – xã hội – an ninh, nhất là an ninh nông thôn trên địa bàn doanh nghiệp đóng chân. Nếu một doanh nghiệp quy mô lớn mà phá sản, hệ quả tất yếu là người lao động mất việc làm, các chủ nợ lớn, các ngân hàng thương mại bị tác động không nhỏ, Nhà nước mất khoản thuế, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.
Vì các lẽ trên, các cơ quan tư pháp phải hết sức thận trọng khi ban hành các quyết định liên quan đến việc giải quyết theo đơn yêu cầu hoặc tự nguyện phá sản của doanh nghiệp. Xin đừng để xảy ra tình trạng được vạ má đã sưng”.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu