Doanh nghiệp cần làm gì để đạt chứng nhận Halal?

Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, dự kiến chiếm 30% vào năm 2024 và đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại 5.000 tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.

Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ toàn cầu. Như vây, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Hồi giáo là rất lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường vô cùng khó tính với hệ thống tiêu chuẩn khắt khe. Để mở cánh cửa vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép”). Có được chứng nhận Halal cũng có nghĩa doanh nghiệp đã nắm trong tay chiếc chìa khóa mở cửa.

Việc nắm vững thông tin về các quy định, tiêu chuẩn của thị trường Halal là chìa khoá quan trọng thúc đẩy đưa hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường này ngày càng thuận lợi hơn. Nhằm giúp doanh nghiệp và độc giả có cái nhìn rõ hơn về quy định cũng như quy trình để đạt được chứng nhận Halal, Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông  Mohamed Omar, Tổng Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal-HCA.

Thưa ông, mặc dù là thị trường tỷ đô nhưng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang “bỏ quên” thị trường Hồi giáo vì vướng thủ tục chứng nhận Halal. Ông nhìn nhận gì về điều này?

Theo tôi, ý kiến cho rằng chúng ta đang bỏ quên thị trường Hồi giáo vì vướng thủ tục chứng nhận Halal là ý kiến mang tính chủ quan. Bởi trên thực tế, nếu như trước đây rất ít kênh thông tin liên quan tới thị trường Halal thì trong 2 năm gần đây có thể nói thị trường Halal đã “gõ cửa” các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động tiếp cận, tham gia nhiều diễn đàn, triển lãm về Halal được tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo như Indonesia, Malaysia. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận thông tin về Halal thông qua các kênh tham tán.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang rất quan tâm và có cơ chế, chính sách cụ thể như việc ban hành các đề án, tiêu chuẩn để thúc đẩy đầu tư, tiếp cận thị trường Halal. Toạ đàm ngày hôm nay do Chất lượng Việt Nam tổ chức cũng chính là một cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin rõ hơn về thị trường này, về những quy định, cách thức để doanh nghiệp có thể tham gia thuận lợi vào thị trường Halal.

Đối với thông tin về chứng nhận Halal, doanh nghiệp có thể tham khảo trên website tổ chức chứng nhận (trong đó có Văn phòng chứng nhận Halal-HCA). Có một điểm lưu ý là nếu doanh nghiệp muốn lấy chứng nhận Halal trực tiếp tại một số nước (ví dụ như Indonesia) thì mất khoảng 6 tháng, còn nếu làm ở Việt Nam sẽ mất khoảng 1 tháng. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ để không làm mất thời cơ tham gia thị trường Halal.

Doanh nghiệp cũng cần lựa chọn tổ chức chứng nhận có uy tín để hỗ trợ mình trong việc đáp ứng quy định, hướng tới việc cấp chứng nhận Halal.

 Ông  Mohamed Omar, Tổng Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal-HCA.

Thưa ông, quy trình cụ thể để cấp chứng nhận Halal ra sao, sản phẩm của doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện gì?

Hiện nay, quy trình chứng nhận đang được áp dụng tại Văn phòng Chứng nhận Halal-HCA bao gồm một số bước cơ bản.

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận

Khách hàng cần điền đầy đủ thông tin vào biểu mẫu QF03,01 và QF03.01B và chọn chương trình chứng nhận Halal phù hợp với thị trường xuất khẩu. Nộp phiếu đăng kí chứng nhận (gồm có: Mẫu QF03.01. Application Form; Mẫu QF03.01B. List of ingredients – ddtives – chemicals).

Tổ chức đăng kí chứng nhận Halal cần tìm hiểu rõ thị trường xuất khẩu của sản phẩm để tiến hành lựa chọn theo 3 chương trình chứng nhận: AKIM Malaysia, MUI Indonesia, GCC ( GCC bao gồm: UAE, Kuwwait, Oman, Quatar, Saudi Arabia, Bahrain, Yemen).

Bước 2: Báo giá và ký kết hợp đồng dựa theo thông tin khách hàng cung cấp

HCA tiến hành xem xét đăng kí chứng nhận và thông báo tới tổ chức về chi phí chứng nhận. Hợp đồng chứng nhận được kí kết sau khi hai bên thống nhất các thỏa thuận chứng nhận.

Bước 3: Đánh giá giai đoạn 1

Đánh giá hồ sơ (tại nhà máy hoặc qua mail): Doanh nghiệp cung cấp hồ sơ theo yêu cầu để đánh giá sơ bộ trước khi đánh giá giai đoạn 2.

Thủ tục hồ sơ giai đoạn 1 bao gồm: Hồ sơ giới thiệu công ty (bao gồm cả sơ đồ tổ chức); Đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập; Các giấy phép hoạt động (nếu có); Quy trình/Sơ đồ sản xuất sản phẩm chứng nhận; Các kết quả thí nghiệm của sản phẩm chứng nhận; Các chứng chỉ khác như ISO, HACCP, GMP, GAP (nếu có); Các hồ sơ chứng minh thành phần nguyên liệu, phụ gia không chứa bất kỳ thành phần nào là Haram.

HCA sẽ đánh giá hồ sơ và thông báo đến tổ chức để bổ sung thông tin còn thiếu (nếu cần). Tổng thời gian cho việc đánh giá giai đoạn 1 là không quá 90 ngày kể từ thời điểm sẵn sàng cho việc đánh giá giai đoạn 1 (đủ các điều kiện: Hợp đồng đã được ký kết, đã gửi hồ sơ giai đoạn 1, đã tạm ứng 30% giá trị hợp đồng). Nếu quá thời hạn này, hồ sơ được xem là không hợp lệ.

Bước 4: Đánh giá Giai đoạn 2 (đánh giá hiện trường cơ sở sản xuất): Chương trình đánh giá theo yêu cầu của tiêu chuẩn Halal chuẩn quốc tế: MS 1500:2019, GSO 2055-1, MUI… Mục đích đánh giá giai đoạn là kiểm tra tính phù hợp của sản phẩm được chứng nhận với quy định về Halal để cấp chứng chỉ.

Bước 5: Thẩm tra hồ sơ và cấp chứng nhận: Kết thúc quá trình đánh giá, Đoàn chuyên gia đánh giá lập báo cáo đánh giá gửi cho tổ chức được đánh giá, gửi HCA để xem xét và ra quyết định chứng nhận. Trong trường hợp có những điểm không phù hợp, tổ chức được đánh giá phải tiến hành biện pháp khắc phục, gửi báo cáo hành động khắc phục và bằng chứng kèm theo đến HCA trong khoảng thời gian đã định là 30 ngày kể từ ngày đánh giá hiện trường. HCA có trách nhiệm xem xét hiệu quả của hành động khắc phục.

HCA tiến hành trình báo cáo đánh giá và các bằng chứng kèm theo cho hội đồng chứng nhận đánh giá và thẩm xét hồ sơ để đảm bảo rằng các hoạt động đánh giá đã diễn ra theo đúng yêu cầu, đúng thủ tục và các điểm không phù hợp đều đã được tổ chức khắc phục một cách kịp thời, thích hợp trước khi cấp chứng nhận.

Sự phù hợp trong đánh giá Halal: Văn Phòng Chứng nhận Halal – HCA sẽ đánh giá sự phù hợp việc tuân thủ Halal thông qua giám sát định kỳ hoặc bất ngờ khi có bằng chứng cho thấy công ty không tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn Halal. Khi phát hiện trong khoảng thời gian sau khi cấp giấy chứng nhận Halal, bất kỳ thay đổi được thực hiện bởi các nhà sản xuất mà không được chấp thuận trước của Văn phòng Chứng nhận Halal – HCA sẽ dẫn đến việc đình chỉ hiệu lực chứng chỉ hoặc thu hồi.

Đối với tổ chức chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực Halal sẽ có những thuận lợi và khó khăn nào? Ông có đề xuất gì về cơ chế, chính sách cho các tổ chức chứng nhận hay không?

Về mặt thuận lợi, hiện doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal hầu hết là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Việc hàng hoá chủ yếu là nông sản cũng tạo thuận lợi cho quá trình mà các tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá sự phù hợp nguyên liệu đầu vào xem nguyên liệu đó có chuẩn Halal hay không, dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu này.

Đặc biệt, không ít doanh nghiệp có sản phẩm phục vụ cho thị trường Halal đã tiến hành đào tạo cho công nhân, nhân viên làm việc tại doanh nghiệp thông tin, kiến thức về Halal. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng, tuân thủ quy định về Halal ngay trong quá trình sản xuất.

Về khó khăn, hiện nay hiểu biết của doanh nghiệp về nhu cầu thị trường, văn hoá người Hồi giáo chưa nhiều. Trong khi đó, văn hoá, lối sống, văn hoá kinh doanh của người Hồi giáo lại có nhiều sự khác biệt. Đối với các thông tin mà doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về Halal, về nhu cầu thị trường Halal, tôi cho rằng, thông qua các đề án trong tương lại mà Chính phủ thực hiện, doanh nghiệp sẽ dần nắm bắt được vấn đề này. Tuy nhiên, đối với văn hoá của người Hồi giáo, tự bản thân doanh nghiệp cần phải có sự trau dồi, nghiên cứu sâu hơn.

Còn đối với các tổ chức chứng nhận Halal hiện nay cũng gặp một số khó khăn. Ví dụ như việc các quốc gia nhập khẩu liên tục thay đổi và có những quy định, yêu cầu ràng buộc mới khiến đôi khi các tổ chức chứng nhận không kịp cập nhật hoặc thời gian quá ngắn không kịp thay đổi theo. Từ đó dẫn đến việc thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp gặp khó khăn, chậm trễ.

Giả sử nếu một tổ chức chứng nhận có chứng nhận chưa được cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu phê duyệt, chưa được công nhận, thừa nhận thì chứng nhận Halal do tổ chức đó cấp sẽ không được chấp nhận, từ đó dẫn tới việc hàng hoá mắc kẹt tại cảng.

Hiện nay, tại Việt Nam có tới 18 tổ chức chứng nhận về Halal. Mặc dù có nhiều tổ chức quảng bá rằng họ được công nhận, thừa nhận tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, trên thực tế đó là thông tin sai sự thật. Những tổ chức này đã làm náo loạn thị trường chứng nhận, làm cho hàng hoá Việt Nam bị hạn chế sang các nước Hồi giáo. Doanh nghiệp khi làm chứng nhận Halal nhưng không chuẩn sẽ không được chấp thuận cho sản phẩm vào thị trường Halal, từ đó dẫn tới việc bị cấm, thậm chí còn kéo theo việc cả ngành hàng bị cấm.

Trường hợp của Nhật Bản là một ví dụ. Tại quốc gia này 5 năm trước đã diễn ra tình trạng có quá nhiều tổ chức chứng nhận nhưng không có sự quản lý nên gây ra sự náo loạn hoạt động chứng nhận, khiến hàng loạt doanh nghiệp không thể xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Halal. Trong tương lai, nếu không quản lý tốt, Việt Nam rất có thể sẽ phải đối diện với tình trạng này.

Về mặt giải pháp, Chính phủ cần quản lý chặt các tổ chức chứng nhận Halal nhất là theo Nghị định 107/2016 NĐ-CP, đẩy mạnh việc công nhận và thừa nhận quốc tế trong việc cấp, đánh giá chứng nhận Halal cho doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phong Lâm (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích