Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, rộng đường vào thị trường Halal

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng cao. Đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm thâm nhập thị trường này.

Đánh giá về tiềm năng thị trường Halal hiện nay, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert), Tổng cục TCĐLCL cho biết, sản phẩm Halal không chỉ là thực phẩm như chúng ta thường hay nghĩ tới, thực tế sản phẩm Halal rất rộng bao gồm cả ngành dược mỹ phẩm, thời trang, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng… Như vậy có thể hình dung ngành Halal trở thành ngành kinh tế ngày càng quan trọng.

Việt Nam được biết đến là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm ngành Halal, với các lý do như vị trí địa lý thuận lợi, gần thị trường Halal lớn tại Đông Nam Á, châu Á… có nhiều thế mạnh về thực phẩm, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là có nền nông nghiệp phát triển, với nhiều loại nông sản chất lượng cao. Việt Nam cũng có nền công nghiệp chế biến thực phẩm hiện đại, có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm ngành Halal.

Ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert).

Việt Nam là thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Có thể nói, Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực: Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm Halal.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã huy động các nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện.

Halal không còn đơn thuần là tiêu chuẩn dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal.

Cũng theo ông Dũng, để mở cửa thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Halal có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, có nghĩa là “hợp pháp” và các sản phẩm Halal chính là sản phẩm phù hợp quy định của pháp luật Hồi giáo. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Đối với người Hồi giáo, sản phẩm Halal không chỉ là lựa chọn ưu tiên mà còn là nghĩa vụ tôn giáo. Người Hồi giáo chỉ tiêu thụ sản phẩm Halal.

“So với yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường khác thì tiêu chuẩn Halal rất đặc thù. Bên cạnh yêu cầu cơ bản về hệ thống kiểm soát sản xuất, nhân sự… doanh nghiệp sản xuất Halal cần đáp ứng yêu cầu đặc thù khác. Chẳng hạn, sản phẩm không phải Haram hoặc sử dụng những thành phần không phải Haram phù hợp với các yêu cầu của luật Shari’ah và thiên kinh Quran; Dây chuyền sản xuất không sử dụng chung cho sản xuất Halal và Haram. Đối với doanh nghiệp có sản xuất sản phẩm liên quan đến động vật (không bao gồm thủy sản) bắt buộc áp dụng yêu cầu nghiêm ngặt hơn”, ông Dũng nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, theo đại diện Tổng cục TCĐLCL, tới nay, Việt Nam đã ban hành 5 tiêu chuẩn quốc gia TCVN lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật) và TCVN 13888 – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal.

Ngoài ra, Việt Nam cũng xây dựng tiêu chuẩn rất mới về yêu cầu đối với tổ chứng nhận Halal. Như vậy, chúng ta cũng bắt đầu có những bước xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về Halal và định hướng tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm sản phẩm chủ lực, hướng đến thị trường xuất khẩu tiềm năng, làm sao để tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp, theo ông Dũng hiện nay yêu cầu pháp lý cho hoạt động chứng nhận và đánh giá sự phù hợp, hoạt động thử nghiệm thực hiện theo Luật TC&QCKT và Luật CLSPHH. Cụ thể, Nghị định 107/CP-NĐ của Chính phủ quy định các tổ chức chứng nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức thử nghiệm đều phải đăng ký hoạt động và tuân thủ quy định của pháp luật. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tổ chức làm hoạt động chứng nhận tuy nhiên hệ thống và cách thức chưa theo được yêu cầu và chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy, Tổng cục TCĐLCL đang đề xuất xây dựng Nghị định quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng về lĩnh vực Halal.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng xuất khẩu sản phẩm ngành Halal.

Ngoài ra, để chứng nhận được chấp nhận ở thị trường các nước Hồi giáo, Tổng cục TCĐLCL cũng tăng cường hợp tác quốc tế với các nước để đạt được thỏa thuận thừa nhận song phương giữa Việt Nam với các nước Hồi giáo. Chúng ta đã ký kết MoU với Iran, sắp tới là UAE và một số nước Hồi giáo khác.

Hiện nay trong các nước Hồi giáo chưa có bộ tiêu chuẩn chung và hài hòa về tiêu chuẩn Halal, cho nên mỗi khu vực sẽ có tiêu chuẩn riêng. Một trong những khó khăn của Việt Nam khi xây dựng tiêu chuẩn phải đáp ứng các yêu cầu đó, vì vậy hướng ưu tiên là xây dựng tiêu chuẩn cho những thị trường lớn và tiềm năng, sẽ theo hướng hài hòa và tối đa.

Một hướng nữa đó là các cơ sở dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo, tiêu chuẩn và chuẩn mực với người Hồi giáo sẽ thấp so với tiêu chuẩn, chuẩn mực với yêu cầu nghiêm ngặt của Halal. Tức là một cơ sở dịch vụ không hoàn toàn do người Hồi giáo điều hành và họ có thể phục vụ những sản phẩm Halal và sản phẩm khác, tuy nhiên phải có sự phân tách sản phẩm để không lẫn lộn các sản phẩm với nhau.

Đây cũng là cách chúng ta có thể làm được và cách thức doanh nghiệp đang hướng đến, việc áp dụng tiêu chuẩn Halal của Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp bước đầu nhận thức được yêu cầu cơ bản trong sản xuất sản phẩm Halal. Từ đó, dễ dàng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn Halal của các quốc gia khác.

Tổng cục TCĐLCL đang thực hiện nhiệm vụ thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia. Dự thảo Đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia đã hoàn thành và đang trình xin ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ để gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành lần 2.

Việc thành lập Trung tâm có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận tiêu chuẩn Halal của các thị trường khác nhau thông qua việc cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm, thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal cũng như các quy định, yêu cầu để có thể thâm nhập sâu vào thị trường Halal thế giới và chứng nhận Halal – một điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu.

Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia sẽ thực hiện đăng ký công nhận/chỉ định của cơ quan Hồi giáo các nước ((JAKIM (Malaisia), MUI (Indonesia), GAC (UAE),…) để có thể cung cấp đa dạng dịch vụ chứng nhận Halal. Dịch vụ của Trung tâm sẽ thuận lợi và giá cả hợp lý hơn so với dịch vụ chứng nhận của các tổ chức nước ngoài, góp phần năng cao tính cạnh tranh về giá thành sản phẩm Halal Việt Nam.

 Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích