Một trục huyết mạch của thị xã Phú Mỹ sắp được chi gần 4.000 tỷ để mở rộng
Một trục huyết mạch của thị xã Phú Mỹ sắp được chi gần 4.000 tỷ để mở rộng
Năm 2024, đường Hội Bài – Phước Tân (ĐT.992) đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu dự kiến sẽ bắt đầu GPMB và thi công mở rộng. Tuyến đường này hiện có mặt cắt ngang 16 m, sau khi mở rộng sẽ rộng 72 m và có 6 làn xe cơ giới.
Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cảng Cái Mép – Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài – Phước Tân (ĐT.992) đoạn từ Quốc lộ 51 đến đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Dự án được thực hiện tại các xã Tóc Tiên và Tân Hoà, thuộc thị xã Phú Mỹ.
Thị xã Phú Mỹ hiện nay tập trung nhiều khu công nghiệp và năng lượng lớn, đồng thời cũng có nhiều khu đô thị mới đang được hình thành. Các tuyến đường kết nối những khu vực công nghiệp, đô thị với khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải chủ yếu là các tuyến đường hiện hữu nối từ quốc lộ 51, đa số chưa được đầu tư theo quy hoạch.
Đường Hội Bài – Phước Tân là một trục đường huyết mạch của khu vực, thu hút một lượng xe rất lớn lưu thông kết nối với quốc lộ 51 cũng như ĐT.991B đang được đầu tư xây dựng để nối vào cảng Cái Mép.
Hiện nay đường Hội Bài – Phước Tân đang khai thác với quy mô là đường cấp III, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải trong khu vực, đặc biệt khi tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và đường vành đai 4 TP HCM hình thành có kết nối giao thông với tuyến này.
Ngày 14/7 vừa qua, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài – Phước Tân đoạn quốc lộ 51 đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Tuyến có tổng chiều dài 8,8 km, trải dài qua hai xã Tân Hoà (4,6 km) và Tóc Tiên (4,2 km) thuộc thị xã Phú Mỹ.
Điểm đầu tuyến nằm tại ngã tư Châu Pha – Tóc Tiên (cách cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu khoảng 300 m). Điểm cuối tuyến giao với ĐT.991B (cách quốc lộ 51 khoảng 990 m).
Sẽ mở rộng từ 16 m lên 72 m
Về hướng tuyến, từ điểm đầu tuyến đi thẳng theo đường hiện trạng đến nút giao với cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, tại đây sẽ bố trí nút giao liên thông khác mức để kết nối với đường Hội Bài – Phước Tân và đường vành đai 4.
Tuyến tiếp tục đi thẳng theo đường hiện trạng đến khu vực nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển, sau đó rẽ trái theo đường hiện trạng. Tuyến đi thẳng thêm 1,4 km, rẽ phải tách ra đường hiện trạng để vòng tránh về phía bên phải hai đồi hiện hữu, sau đó kết nối trở lại với đường hiện trạng (khu vực ranh giới giữa xã Tóc Tiên và Tân Hoà).
Từ đây, tuyến tiếp tục đi thẳng theo đường hiện trạng thuộc địa phận xã Tân Hoà đến điểm cuối, kết nối với điểm đầu của dự án ĐT.991B. Vị trí cuối tuyến kết nối với ĐT.991B được tách ra so với đường Hội Bài – Phước Tân hiện trạng, cách Quốc lộ 51 khoảng 900 m.
Về hiện trạng, các đoạn tuyến của dự án chủ yếu đi qua khu vực đất trồng cây hàng năm của hộ gia đình và một số khu vực đất trồng cây keo lâu năm. Các vị trí cắt qua khu vực đất ở của các hộ dân nằm tập trung chủ yếu dọc hai bên các tuyến đường địa phương hiện hữu.
Diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) của tuyến dự kiến khoảng 64,22 ha. Trong đó, đất phi nông nghiệp 5,5 ha; đất nông nghiệp 33,39 ha; đất khác 25,3 ha…
Về quy mô, đây là công trình cấp đặc biệt, là đường chính đô thị với tốc độ thiết kế 80 km/h, quy mô mặt cắt ngang đề xuất là 72 m. Ở giai đoạn 1, dự án sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường với chiều dài khoảng 8,8 km, quy mô đường chính đô thị, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Hiện nay, đường Hội Bài – Phước Tân có mặt cắt ngang 16 m, trong đó mặt đường rộng 12 m, vỉa hè 4 m, đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũ như cống thoát nước, ống cấp nước, cáp quang, điện trung hạ thế, thông tin… Nhìn chung, đường đang lưu thông với chất lượng tương đối tốt.
Giai đoạn đầu tư, đường sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe cơ giới; vỉa hè hai bên rộng 7 m/bên, đồng nhất với cơ cấu mặt cắt ngang đường vành đai 4; dải trồng cỏ 2 bên mỗi bên rộng 15,25 m để có thể mở rộng phát triển phần giao thông trong tương lai.
Nhìn chung, cơ cấu mặt cắt ngang của tuyến sẽ như sau: Tổng rộng 72 m, gồm nền đường xe chạy 24,5 m; đất dự trữ 30,5 m; vỉa hè 14 m; phân cách giữa 3 m.
Thiết kế các nút giao
Toàn tuyến Hội Bài – Phước Tân sẽ có 3 nút giao thông chính.
Nút giao đầu tiên nằm ở đầu tuyến tại ngã tư Châu Pha – Tóc Tiên. Tại đây địa hình khu vực bằng phẳng, dân cư tập trung đông đúc, giao thông lưu lượng lớn, có trường Tiểu học nằm bên phải. Phương án thiết kế nút giao là ngã tư giao bằng, tổ chức giao thông dạng đèn tín hiệu kết hợp đảo tròn xoay.
Thứ hai là nút giao với cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Tại đây dân cư tập trung hai bên đường Hội Bài – Phước Tân hiện trạng, khu vực trong nút giao chủ yếu là đất nông nghiệp, đất trống.
Nút giao này sẽ được thiết kế là nút giao khác mức liên thông, cách nút giao đầu tuyến (ngã tư Tóc Tiên – Châu Pha) khoảng 300 m, quy mô mặt cắt ngang sẽ phù hợp quy hoạch và mở rộng các nhánh nút giao để có thể kết nối với cao tốc. Ngoài ra, sẽ mở rộng đầu tư xây dựng đảo tròn kết nối từ nhánh chính trompet vào đảo tròn và hoàn thiện nút giao.
Cuối cùng là nút giao cuối tuyến, giao với ĐT.991B. Khu vực này địa hình bằng phẳng, khu dân cư tập trung bám hai bên đường Hội Bài – Phước Tân hiện hữu, cuối tuyến có trạm y tế. Nút giao này sẽ thiết kế theo dạng ngã ba liên thông hoàn chỉnh, tổ chức giao thông hai chiều.
Ngoài các nút giao chính, trên tuyến có nhiều đường ngang cắt qua, bao gồm đường liên huyện, liên xã, đường khu công nghiệp… Để đảm bảo nhu cầu đi lại, các đường dân sinh sẽ được vuốt nối giao bằng với tuyến Hội Bài – Phước Tân.
Gần 2.000 tỷ GPMB, sẽ di dời hơn 200 hộ dân
Về tiến độ, dự án dự kiến GPMB trong giai đoạn quý I/2024 – quý I/2026; thi công trong giai đoạn quý III/2024 – quý IV/2027. Từ quý IV/2027 sẽ đưa toàn dự án vào khai thác.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.691 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB chiếm 1.964 tỷ đồng; chi phí xây dựng chiếm 1.207 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý và dự phòng.
Để thực hiện, dự án sẽ thu hồi 3 ngôi nhà tôn, tạm (203 m2); 188 ngôi nhà gạch (15.581 m2) và 10 ngôi nhà 2 tầng (1.320 m2), chiếm dụng vĩnh viễn 1,84 ha đất thổ cư của 201 hộ gia đình.
Các hộ gia đình khu vực dự án hiện đang có điều kiện sống ở mức trung bình khá, đầy đủ đường, điện, nước sạch, trường học, y tế… Kết quả phỏng vấn các hộ dân bị ảnh hưởng cho thấy, trường hợp di dời, các hộ dân ngoài đền bù cũng mong muốn được tái định cư ngay tại địa phương.
Do quỹ đất dự phòng còn khá rộng và mỗi gia đình đều sở hữu một diện tích đất rộng, người dân có thể tự tái định cư tại chỗ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị