Giải pháp thúc đẩy tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.
Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại; các Hiệp hội Bất động sản và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Hội nghị nhằm triển khai tích cực Công điện số 993/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rà soát đánh giá cụ thể tình hình thị trường BĐS và tín dụng BĐS, trao đổi thống nhất các biện pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự án BĐS và khó khăn, vướng mắc của các NHTM trong hoạt động tín dụng BĐS.
Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội – Ảnh: VGP/HT
5 giải pháp của Ngân hàng Nhà nước
Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy tín dụng với động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hà Thu Giang nêu 5 giải pháp triển khai thời gian tới đối với thị trường bất động sản.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023.
Theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
6 giải pháp từ Bộ Xây dựng
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và đưa ra nhiều thông tin tích cực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Công điện 993 của Thủ tướng Chính phủ là một trong rất nhiều chỉ đạo liên tục, xuyên suốt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với lĩnh vực bất động sản. Điều đó cho thấy tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của thị trường này đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước cũng như những khó khăn, thách thức mà thị trường này đang phải đối mặt và các đòi hỏi cấp bách phải giải quyết trong thời gian vừa qua và sắp tới đây.
Với các giải pháp toàn diện mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành trung ương và các địa phương quyết liệt thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhằm phục hồi và phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định trở lại trong thời gian qua, Bộ trưởng khẳng định hết sức mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn, cởi mở của các Doanh nghiệp, các Tập đoàn bất động sản, các Ngân hàng, các Hội, hiệp hội nghề nghiệp… và đại diện các Sở Xây dựng địa phương để cùng nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện nhất tính hiệu quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang triển khai hiện tại, phát hiện các tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện để tiến tới điều chỉnh, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 993. Bộ Xây dựng cam kết sẽ nghiên cứu và tiếp thu tất cả các ý kiến liên quan tới lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và sẽ đề ra những giải pháp giải quyết cụ thể trên tinh thần cầu thị, cùng chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.
Trên cơ sở các tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất trong thời gian qua, trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quan trọng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hết sức tích cực nắm bắt tình hình, đánh giá cụ thể những khó khăn vướng mắc liên quan tới lĩnh vực kinh doanh bất động sản, để từ đó triển khai các giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể cho các dự án bất động sản.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể, hiệu quả thông qua những biện pháp giảm lãi suất, và thực tế lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay ta đã giảm rất nhiều so với thời điểm đầu năm 2022. Các Bộ ngành, địa phương cũng đã tham gia rất tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho dự án và đã có diễn biến rất tốt trong thời gian vừa qua.
Hiện tại, Chính phủ và các Bộ, ngành đang tích cực rà soát để sửa đổi bổ sung các pháp luật có liên quan tới khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ một cách căn cơ, lâu dài. Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng … dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian tới.
Qua các ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng đã tóm lược một số vướng mắc chính của các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản và các giải pháp tháo gỡ chính đã hoặc có thể triển khai thực hiện trong tương lai. Thứ nhất, liên quan tới các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn của pháp luật, đã xác định rõ một số tồn tại về giá đất, thủ tục về đất đai. Thứ hai, liên quan tới các quy định về công tác quy hoạch, đã xác định các vấn đề cần thiết phải đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Thứ ba, đã xác định các khó khăn liên quan đến việc xác định Chủ đầu tư, chủ trương đầu tư. Thứ tư, đã xác định các vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, trong đó có NƠXH. Các vướng mắc về pháp luật đã và đang được các cơ quan thuộc Chính phủ nghiên cứu, từng bước tháo gỡ.
Với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các bên liên quan bao gồm cả các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và người dân để cùng giải quyết khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đến thời điểm này theo các đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn, có thể nói rằng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, liên quan tới các Tổ công tác của Chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản. Bộ Xây dựng sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề tồn đọng.
Thứ nhất, trong xây dựng pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các cơ quan Quốc hội để tiếp tục rà soát các quy định chồng chéo của các luật liên quan đến thị trường bất động sản, để sớm giải quyết các rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản. Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại những Nghị định, Thông tư liên quan để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp bất động sản.
Thứ 2, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh việc xử lý các đề xuất, kiến nghị của địa phương trong công tác quản lý và phát triển nhà ở, nhà ở xã hội với mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 như Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ 3, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp tục hướng dẫn và kiểm soát việc huy động và sử dụng công cụ trái phiếu bất động sản đúng quy định pháp luật, đảm bảo kênh huy động này như một giải pháp ổn định nhằm củng cố lâu dài cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới. Đối với các vấn đề về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục nghiên cứu tạo điều kiện để xử lý, tháo gỡ.
Thứ 4, đối với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản, Bộ Xây dựng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương và các Bộ, ngành trung ương để thực hiện đúng các yêu cầu của Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án bất động sản, trọng tâm là tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.
Thứ 5, tập trung đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính. Đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp và quyết tâm tháo gỡ cho các dự án bất động sản vướng mắc, phát huy tối đa các kết quả vừa qua đã đạt được với khá nhiều dự án bất động sản đã được các địa phương và Bộ ban ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn.
Thứ 6, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan và các địa phương, các doanh nghiệp bất động sản để có các tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể cho từng dự án bất động sản. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng rất mong các địa phương và doanh nghiệp, các Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có sự hỗ hợ, cùng nhau chia sẻ khó khăn hơn nữa trong thời gian tới đây.
Nguồn: hoanhap.vn