Quảng cáo sản phẩm sữa phải đảm bảo yêu cầu gì?

Hiện nay, thị trường sữa Việt Nam ngày càng đa dạng về loại hình sản phẩm. Tuy nhiên, chính sự đa dạng của doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng cũng như sản phẩm và giá cả đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường sữa. Không ít doanh nghiệp đăng tải các video quảng cáo gắn với các “bác sĩ”, “chuyên gia” mặc áo blouse so sánh các loại sữa khác nhau, đánh tráo khái niệm về sữa với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội. Tất cả những điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.

Nội dung quảng cáo sữa phải đảm bảo yêu cầu gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 181/2013/NĐ-CP về nội dung quảng cáo sản phẩm sữa phải có các nội dung gồm: Tên sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 181/2013/NĐ-CP .

Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 20 Luật quảng cáo 2012, Điều 8 và Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, khi đăng ký quảng cáo sữa; quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật quảng cáo 2012 phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành; Quảng cáo sữa phải đăng ký nội dung quảng cáo.

Nội dung quảng cáo sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; (quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 181/2013/NĐ-CP). Nội dung quảng cáo phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT về Các sản phẩm dạng sữa lỏng

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2017/TT-BYT ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định các mức giới hạn an toàn và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm nhóm sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng), sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng, sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng, nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng. Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm sữa dạng lỏng tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quy chuẩn này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc nhằm bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người sử dụng. Phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu tại Việt Nam. Phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quy định của pháp luật Việt Nam. Hài hòa với tiêu chuẩn, quy định quốc tế, bảo đảm tránh tạo ra rào cản trong giao lưu thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới.

Theo đó Quy chuẩn trên yêu cầu đối với sữa tươi nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm sữa dạng lỏng phải bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các chỉ tiêu hóa lý, an toàn đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng thì nhóm sữa tươi có hàm lượng protein sữa tươi không nhỏ hơn 2,7; tỷ trọng ở 20 °C, không nhỏ hơn 1,026. Sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp thì hàm lượng protein sữa, % khối lượng, không nhỏ hơn 2,7. Nhóm sữa cô đặc và sữa đặc có đường thì hàm lượng protein sữa, % khối lượng tính theo chất khô không béo của sữa, không nhỏ hơn 34.

Về giới hạn tối đa các chất ô nhiễm kim loại nặng như chì mg/kg đối với các sản phẩm được quy định tại khoản 4.6 đến 4.8, hoặc mg/kg sản phẩm đã pha để sử dụng ngay đối với các sản phẩm được quy định tại khoản 4.9 thì giới hạn tối đa cho phép là 0,02; Thiếc (đối với sản phẩm đựng trong bao bì tráng thiếc), mg/kg là 250.

Độc tố vi nấm Aflatoxin M1, µg/kg là 0,5; Melamin1), mg/kg 2,5. Melamin là chỉ tiêu giám sát, không bắt buộc phải thử nghiệm để đánh giá hợp quy nhưng tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, chế biến các sản phẩm sữa dạng lỏng phải đáp ứng quy định này về giới hạn tối đa cho phép. Về giới hạn tối đa ô nhiễm vi sinh vật như enterobacteriaceae (Chỉ áp dụng đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng thanh trùng) là 5; L. monocytogenes là 5.

Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản phẩm sữa dạng lỏng tuân thủ quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT về hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm.

Về ghi nhãn Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT quy định các sản phẩm sữa dạng lỏng phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trên mặt chính của nhãn sản phẩm phải ghi rõ bản chất của sản phẩm theo quy định tại Quy chuẩn này. Ngoài ra các sản phẩm sữa dạng lỏng được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này..

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích