Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 13/11/2023
Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 13/11/2023
Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 13/11/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao…
Điều chỉnh giá xăng dầu 13/11: Xăng dầu giảm giá sau 2 lần tăng liên tiếp
Chiều nay (13/11), liên Bộ Công thương – Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định, áp dụng từ 15h. Các doanh nghiệp đầu mối sẽ đưa ra mức giá bán lẻ không cao hơn giá điều hành từ liên bộ.
Trong kỳ điều chỉnh lần này, giá mặt hàng xăng đồng loạt giảm. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95-III giảm 399 đồng, xuống mức 23.530 đồng; Xăng E5 RON 92 giảm 340 đồng, xuống 22.274 đồng.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel có giá 20.888 đồng một lít, giảm 1.052 đồng. Dầu hỏa còn 21.512 đồng/lít, giảm 793 đồng.
Theo Bộ Công thương, mức giá được ban hành do giá thế giới giảm. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1/11 và kỳ điều hành ngày 13/11 là: 93,786 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 1,459 USD/thùng); 99,204 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 1,602 USD/thùng); 107,750 USD/thùng dầu hỏa (giảm 4,051 USD/thùng); 105,289 USD/thùng dầu diesel (giảm 5,580 USD/thùng).
Trước đó, các doanh nghiệp cũng dự báo giá xăng dầu sau kỳ điều hành hôm nay sẽ giảm. Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch tuần qua (6-10/11), giá nhóm năng lượng trên các sở thế giới giảm mạnh.
Hà Nội: Xây dựng nhiều mô hình xử lý rác thải nông nghiệp hiệu quả
Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” .
Tham gia dự án có 40 cán bộ, hội viên nông dân tại 9 xã của 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì. Theo đó, đoàn đã đến thăm, học hỏi kinh nghiệm mô hình lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn để chăn nuôi bò và nuôi trùn quế tại hộ nông dân Nguyễn Kim Hận thuộc thôn Gia Lộc, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Đây được đánh giá là mô hình dễ sản xuất, có thể biến chất thải trong nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, giảm chi phí đầu tư, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tại buổi tham quan, các hội viên, nông dân đã tích cực trao đổi, thảo luận tính ứng dụng thực tế của kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và nuôi trùn quế. Qua đó, mỗi nông dân sẽ là một tuyên truyền viên tuyên truyền về ý nghĩa của dự án, giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn, nâng cao thu nhập.
Cũng trong khuôn khổ chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm, Ban Quản lý Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải Hội Nông dân Thành phố Hà Nội đã tiến hành bàn giao chế phẩm thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ và tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế cho 9 xã của 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân cho biết: đến nay, Hội Nông dân 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì đã xây dựng được 135 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, 90 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, 135 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, 90 mô hình nuôi sâu canxi, 90 mô hình nuôi trùn quế. Sau gần 2 năm triển khai, các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế – xã hội và môi trường.
Quảng Nam tăng cường ứng phó, giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra
Ngày 13/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã phát đi công điện yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn của nhân dân là trên hết.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn về diễn biến gió mùa đông bắc, tin cảnh báo mưa lớn, tin cảnh báo lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử… để nắm diễn biến mưa trên địa bàn.
Qua đó, tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, nhất là đối với nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng, chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đồng thời bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bảo đảm nguồn cung cầu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở.
Chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước, các nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ, các hồ thủy điện vận hành điều tiết.
Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức hỗ trợ người dân sơ tán, cứu trợ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Cạnh đó, tiếp tục thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình thời tiết nguy hiểm và mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Tiến hành kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Sóng lớn đánh chìm tàu cá, 5 ngư dân may mắn thoát chết
Chiều 13/11, ông Nguyễn Hoài Thanh – Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, một tàu cá của ngư dân địa phương vừa bị sóng đánh chìm khi đang vào cảng Sa Kỳ để neo đậu.
Theo ông Thanh, khoảng 6h50 cùng ngày, tàu cá QNg 11213 TS do ông Huỳnh Thanh Long (36 tuổi, trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ) làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu, trên tàu có 5 ngư dân, di chuyển đến khu vực hòn Bàn Thang (thuộc địa phận xã Tịnh Kỳ) thì không may bị sóng đánh chìm.
Lúc này, tàu cá QNg 55098 TS của ông Nguyễn Thanh Tuấn (65 tuổi, trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) phát hiện sự việc nên đã tiếp cận, cứu vớt và đưa 5 ngư dân trên tàu cá QNg 11213 TS vào bờ an toàn.
Nhận được tin báo, Trạm Kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ phối hợp với các tàu cá địa phương khẩn trương trục vớt, lai dắt tàu QNg 11213 TS vào bờ.
Được biết, tàu cá QNg 11213 TS xuất bến chiều 12/11 để hành nghề mành chụp ở vùng biển Quảng Ngãi.
Cách đây gần 1 tháng, 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam không may bị chìm ở Trường Sa khiến 2 người chết và 13 thuyền viên mất tích.
Bắt nguyên chủ tịch xã lạm quyền giao 129 lô đất cho cán bộ, người nhà
Ngày 13/11, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Khắc Hùng (50 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Theo điều tra ban đầu, căn cứ nhu cầu về đất ở của người dân trên địa bàn, UBND xã Ea Huar đã có tờ trình gửi UBND huyện Buôn Đôn duyệt phương án mở rộng khu giãn dân cho 196 hộ gia đình tại buôn Jang Pong. Trong đó, có 97 hộ thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất ở và 99 hộ thuộc đối tượng bị ngập lụt.
Ngày 5/10/2010, UBND huyện Buôn Đôn có quyết định phê duyệt và giao trách nhiệm cho UBND xã Ea Huar phối hợp với các phòng ban liên quan triển khai giao đất cho người dân.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến năm 2012, ông Hùng lúc đó là Chủ tịch UBND xã đã tự ý điều chỉnh đối tượng được thụ hưởng và tổ chức giao đất cho 129 hộ dân ngoài phương án sử dụng đất. Trong đó, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức và có trường hợp là người nhà của ông Hùng.
Hành vi lạm quyền của ông Hùng đã gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 2,3 tỉ đồng theo thời điểm định giá vào năm 2010.
Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng để xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Đình chỉ chức vụ đối với Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau bị khởi tố
Chiều 13/11, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, các đơn vị chức năng có liên quan vừa có quyết định đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ và sinh hoạt Đảng đối với ông Tăng Gia Phong, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau.
Theo Ban giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, việc đình chỉ nêu trên được thực hiện đồng thời không lâu sau khi ông Phong bị Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex, và không liên can đến nhiệm vụ ông Phong đảm nhận tại sở.
Vài ngày trước, Cơ quan Điều tra trực thuộc Bộ Quốc phòng khởi tố 5 người liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex.
Những người bị khởi tố từng là lãnh đạo của Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex. Trong đó, có 2 người bị khởi tố và bắt tạm giam là ông Tăng Gia Phong và bà Phạm Thị Hường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex. Các bị can còn lại bị khởi tố để điều tra về cùng hành vi nhưng cho tại ngoại.
Các nguồn tin của Báo Nhân Dân xác nhận, những trường hợp vừa bị khởi tố kể trên có liên quan đến các khoản vay của Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex với ngân hàng Quân đội tại Cà Mau.
Tại Cà Mau, Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex ra đời từ những năm 1980, cũng là một trong những đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản có tiếng tăm tại địa phương. Ở giai đoạn trước năm 2010, công ty này có các hoạt động vay vốn tại tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh Cà Mau.
Được biết, ông Tăng Gia Phong từng làm kế toán trưởng và Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex trước khi về đảm nhận nhiệm vụ là Phó chánh rồi Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị