Hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung: Đẩy mạnh hợp tác văn hoá, y tế, giáo dục, du lịch
Chủ trì Phiên thảo luận có đồng chí: Đỗ Đình Hồng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc thành phố Hà Nội; Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội. Về phía đại biểu Trung Quốc có đồng chí Dương Thiệu Hổ – Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vân Nam.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận. |
Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Vân Nam là tỉnh nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc tiếp giáp với tỉnh Lào Cai và thuộc Tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Kể từ khi cơ chế hợp tác song phương được thành lập năm 2004, mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương của hai nước trên tuyến hành lang kinh tế này đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy cơ chế hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Chính phủ hai nước.
Kết quả nổi bật là kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng dần qua các năm. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam đạt 3,25 tỷ USD. Trung Quốc hiện cũng là thị trường du lịch trọng điểm số 1 của Việt Nam. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 6 triệu lượt, tăng 16,9% so với năm 2018. Các tỉnh, thành phố thành viên đã và đang nỗ lực hợp tác khai thác hiệu quả về vị trí địa lý, phát huy lợi thế kết nối giao thông, thế mạnh của từng địa phương để cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển, phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ góp phần nâng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam lên 5 tỷ USD.
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu khai mạc Phiên thảo luận. |
Bên cạnh những kết quả đạt được mang tính định lượng, hữu hình như: Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải, logistics…, không thể không kể tới vai trò quan trọng của các lĩnh vực liên quan như: Văn hoá, y tế, giáo dục và du lịch.
“Mỗi lĩnh vực có tính chất, ý nghĩa đặc thù quan trọng riêng, nhưng đó thực sự là những yếu tố “mềm” gián tiếp hoặc trực tiếp góp phần tích cực vào việc tiếp thêm động lực, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác phát triển một cách thiết thực, toàn diện, mang lại hiệu ứng lan toả bao trùm trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đầu tư, thương mại, phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo của các tỉnh dọc tuyến hành lang kinh tế Việt – Trung”, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Có thể nhận thấy, tiềm năng để hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục và du lịch giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh dọc tuyến hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam) là vô cùng to lớn, còn nhiều dư địa để hai bên tiếp tục khai thác trong giai đoạn tới. Trong đó, điển hình là lĩnh vực văn hoá và du lịch. Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có lịch sử và văn hóa lâu đời, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, với phố cổ Lệ Giang, ba dòng sông song song, rừng đá Thạch Lâm, ruộng bậc thang, núi Ngọc Long Tuyết, hiện đang là điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu Trung Quốc.
Toàn cảnh Phiên thảo luận. |
Cùng với đó, các tỉnh Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam) cũng là những địa danh sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, ẩm thực độc đáo, các làng nghề truyền thống lâu đời đậm bản sắc văn hoá hấp dẫn du khách, nổi bật là Vịnh Hạ Long, Đảo Cát Bà, Hoàng Thành Thăng Long là những di sản thiên nhiên, văn hoá nổi tiếng được UNESCO và thế giới công nhận. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để hai bên tăng cường thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác quảng bá, phát triển du lịch, thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần củng cố, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác phát triển toàn diện giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước.
Tương tự như vậy đối với lĩnh vực y tế và giáo dục, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tỉnh Lào Cai, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) đều có nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo hàng đầu về khoa học, công nghệ; các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nổi tiếng về y học hiện đại và y học cổ truyền để có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình hợp tác cùng phát triển.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực vượt bậc trong triển khai các hợp tác giữa các bên, nhưng thực tế vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, năng lực của địa phương cũng như chưa đạt được nhu cầu mà hành lang kinh tế đặt ra.
Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, nguyên nhân chủ yếu là có tồn tại sự khác biệt về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ phát triển chưa thực sự đồng đều. Cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông cả đường bộ, đường sắt, mặc dù đã cải thiện, những vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; việc trao đổi thông tin cũng chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, do tác động của tình hình bất ổn định của kinh tế toàn cầu, đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế của hai nước trong những năm vừa qua cũng ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các thỏa thuận hợp tác.
Do đó, Phiên hội nghị chuyên đề về “Văn hoá, y tế, giáo dục, du lịch” trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung lần thứ X là dịp tốt để hai bên tiếp tục rà soát, kiểm điểm kết quả triển khai hợp tác thời gian qua; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; trao đổi, thảo luận đưa ra các đề xuất giải pháp mới, thiết thực nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa các bên để đẩy mạnh hợp tác phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, du lịch trên tuyến hành lang kinh tế này ngày một hiệu quả và thiết thực hơn; từng bước góp phần ý nghĩa vào việc thực hiện các mục tiêu chung đã thống nhất trong khuôn khổ cơ chế hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Nguồn: Báo lao động thủ đô