Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin tình trạng sức khỏe ca sĩ Phi Nhung những ngày cuối đời
Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin tình trạng sức khỏe ca sĩ Phi Nhung những ngày cuối đời
Chiều 28/9, BV Chợ Rẫy đã có những thông tin chính thức liên quan đến sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung sau khi nhiễm Covid-19.
Cuối giờ chiều nay (28/9), thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM cho biết, đêm qua, ca sĩ Phi Nhung bắt đầu trở nặng và tụt huyết áp, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhân đến sáng nay. Đến trưa bệnh nhân bắt đầu yếu dần, tim đập rời rạc, các chỉ số sinh tồn giảm dần đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h15 phút.
TS.BS Trương Dương Tiển – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước đó, ca sĩ Phi Nhung được chuyển đến Khoa Hồi sức Cấp cứu Khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 21 giờ 33 ngày 26/8/2021, trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, thở máy.
Ngay khi nhập viện, ca sĩ Phi Nhung đã được lọc máu tích cực, tối ưu máy thở và theo dõi. Đến ngày 5/9, tình trạng bệnh nhân có cải thiện tích cực. Bệnh nhân tỉnh, hiểu và thực hiện được y lệnh của bác sĩ.
TS.BS Trương Dương Tiển cho hay: “Có những thời điểm, bác sĩ quyết định chuyển mode thở để giúp bệnh nhân tập thở và cai máy thở, tuy nhiên đến đêm ngày 6/9, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi 2 bên, chuyển biến xấu, nguy kịch tưởng như không qua khỏi”.
Ca sĩ Phi Nhung trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h15 phút trưa 28/9
Ngày 7/9, sau khi hội chẩn, bệnh nhân được phẫu thuật màng phổi 2 bên và đặt ECMO.
Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân có cải thiện lên, tuy nhiên, màng phổi bên phải của bệnh nhân vẫn tràn khí và chảy máu rỉ rả.
Vào ngày 24/9, ê-kip điều trị quyết định phẫu thuật để cầm máu và giải quyết tình trạng tràn khí màng phổi phải cho bệnh nhân.
Kết quả giải phẫu ghi nhận mô phổi trong phổi có 2 kén bị vỡ, mô phổi đã bị hoại tử rải rác nhiều nơi, bác sĩ tiến hành cắt kén và tiến hành cầm máu nhưng tình trạng mô phổi bị đông đặc và hoại tử, nhũng nhiều nơi rất khó cầm máu, ê-kip điều trị quyết định làm xẹp mô phổi phải để phổi nghỉ ngơi hơn 1 ngày mới bắt đầu cho thông khí trở lại.
Cũng theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Phi Nhung bị hoại tử một phần phổi, bão Cytokine, suy đa cơ quan. Trước đó, chị được chạy ECMO, lọc máu và được điều trị bằng các loại thuốc cao cấp nhất.
Theo các bác sĩ, bình thường, người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng.
Bão Cytokine là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất cytokine gây viêm, tổn thương nặng và khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Trong đợt dịch thứ 4, không thể thống kê có bao nhiêu bệnh nhân COVID-19 mắc cơn bão Cytokine.
Theo thống kê của Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) người bệnh COVID-19, Bệnh viện dã chiến số 16, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai hồi giữa tháng 9, cho thấy bão Cytokine là một triệu chứng điển hình của bệnh nhân trong đợt dịch này mà các bác sĩ điều trị phải đối mặt.
TS Đỗ Ngọc Sơn, Phụ trách Trung tâm ICU người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 cho biết 70% bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây mắc hội chứng Cytokine.
Còn tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, có giai đoạn cao điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, hầu như ngày nào bệnh viện này cũng có bệnh nhân gặp “cơn bão Cytokine”, có thời điểm lên đến gần 30 ca. Trung bình khi bệnh nhân rơi vào cơn bão, chỉ cần khoảng 1 ngày là sẽ diễn tiến đến nguy kịch, có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
“Cơn bão Cytokine” thường xuất hiện ở tuần đầu và tuần thứ hai phát bệnh. Nếu bệnh nhân được điều trị, may mắn thoát ra khỏi, thì có thể hồi phục sau khoảng hai tuần điều trị” – BS Đỗ Ngọc Sơn cho hay.