Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó

(Xây dựng) – Chịu tác động của suy thoái kinh tế, chi phí sản xuất, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó sức tiêu thụ giảm mạnh là những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn.

Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đá làm VLXD đang gặp khó khăn trong đầu ra.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 538 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD. Các doanh nghiệp này được phân thành 12 nhóm ngành như: Xi măng, gạch ốp lát, gạch không nung, khai thác, chế biến đá… Tuy nhiên, dù hoạt động trong nhóm ngành nào, thì tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phòng VLXD (Sở Xây dựng Thanh Hóa), 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất của ngành VLXD giảm từ 8 – 40% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều nhóm lĩnh vực giảm sâu như đá xây dựng giảm khoảng 30 – 40%, gạch xây giảm 25 – 30%, xi măng giảm 8 – 38%…

Bên cạnh đó, cũng đã có 8 doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất như: Công ty TNHH Bình Phát, chuyên sản xuất tấm lợp fibro xi măng, xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa); Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, xã Tân Trường (thị xã Nghi Sơn); Xí nghiệp gạch tuynel Đông Văn, xã Đông Văn (Đông Sơn).

Thanh Hóa: Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó
Lượng hàng tồn kho nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Điển hình một trong những doanh nghiệp gặp khó khăn đó là Công ty Cổ phần Gạch ngói và thương mại Hà Bắc tại xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, Theo công suất thiết kế, mỗi năm nhà máy sản xuất 30 triệu viên gạch. Từ khi quay trở lại sản xuất đến nay, công ty đã sản xuất được khoảng 20 triệu viên gạch. Tuy nhiên, do chi phí giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nên hàng tồn kho nhiều. Trong khó khăn này, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, linh hoạt kế hoạch bán hàng và đồng bộ các giải pháp tiêu thụ sản phẩm.

“Không chỉ gạch đất sét nung rơi vào tình trạng tiêu thụ chậm, mà một số nhà máy sản xuất gạch bê tông (gạch không nung) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, với tình trạng nhiều dự án không thể triển khai vì thiếu nguồn vốn, lượng mua của người dân cũng giảm mạnh, kéo theo đó là hàng tồn kho nhiều, các doanh nghiệp đang phải loay hoay tìm các giải pháp chống đỡ” – Đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Còn một số doanh nghiệp sản xuất đá làm VLXD tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến sức tiêu thụ đá, tưởng chừng sau khi bình thường hóa sức tiêu thụ sẽ tăng lên. Tuy nhiên, 2 năm qua lượng tiêu thụ đá vẫn giảm, nhất là đá ốp lát, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu nên lượng tiêu thụ trong các năm gần đây giảm khoảng từ 20-40% so với trước đây, trong khi đó chi phí sản xuất ngày càng tăng cao, sản phẩm tồn kho nhiều.

Để khắc phục khó khăn các doanh nghiệp sản xuất VLXD đang phải gồng mình, cần thực hiện các chiến lược nhằm duy trì hoạt động ổn định và thúc đẩy sự tăng trưởng. Ngoài ra, đầu tư ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý, cắt giảm chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, mở rộng sản phẩm ra các thị trường ngoài.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích