Hải Dương: Khi đất đấu giá ế ẩm
(Xây dựng) – Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng chục cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, thậm chí có những cuộc không có người mua hồ sơ. Không bán được đất khiến nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng.
Một khu dân cư ở phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương có vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ nhưng tỷ lệ đấu giá thành công rất thấp. |
Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản tại Hải Dương thực sự “bất động”, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những cuộc đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra sôi động trong suốt các năm 2021 – 2022.
Tháng 3/2023, UBND huyện Gia Lộc phối hợp với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương tổ chức đấu giá quyền sử dụng 1.530,5m2 đất ở được chia thành 17 lô đất tại điểm dân cư thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc (đợt 10) với mức giá khởi điểm được phê duyệt dao động từ 40 – 46 triệu đồng/m2. Kết quả, phiên đấu giá chỉ đấu được 7/17 lô, với tỷ lệ đấu giá đạt 38,97%.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 18/8 – 8/9/2023, đơn vị phối hợp với UBND thành phố Hải Dương mở bán hồ sơ đấu giá đất ở đối với 88 lô đất thuộc điểm quy hoạch khu dân cư phía Đông đường Tân Dân, phường Việt Hòa với mức giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2 nhưng không một khách hàng nào đến đăng ký, mua hồ sơ đấu giá.
Cũng trên địa bàn phường Việt Hòa, từ ngày 6/9 – 22/9, đơn vị này cũng tổ chức bán hồ sơ đấu giá cho 64 lô đất thuộc điểm quy hoạch khu dân cư phía Nam đường Việt Hòa, phường Việt Hòa đợt 2, lần 3 với mức giá khởi điểm từ 29,7 – 31 triệu đồng/m2 nhưng trông mỏi mắt mà không thấy khách hàng tới đăng ký, mua hồ sơ.
Đầu tháng 9/2023, tại điểm dân cư số 1 thôn Lý Văn – Phong Trạch xã Phú Điền, huyện Nam Sách (giai đoạn 2) cũng được tổ chức thông báo đấu giá lần 2 với mức giá được điều chỉnh từ 11 triệu đồng/m2 xuống còn 9,5 triệu đồng/m2 cho 34 lô đất cũng không có khách đăng ký. Tại các xã Văn Tố và Tân Kỳ của huyện Tứ Kỳ cũng rơi vào trường hợp tương tự khi trải qua 2 đợt thông báo đấu giá nhưng đều vắng bóng khách hàng.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Trung tâm đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với hàng trăm lô đất có vị trí đẹp. Tuy nhiên, nhiều cuộc đấu giá không có người mua hồ sơ. Do vậy, chủ tài sản và các đơn vị tổ chức đấu giá đều phải thông báo rất nhiều đợt, có khu vực phải tổ chức đấu giá đến 3 lần mà vẫn ế.
Nhiều người dân tại Hải Dương cho biết họ ngỡ ngàng khi chứng kiến các phiên đấu giá đất năm 2023 lại vắng vẻ như vậy. Dù các thông tin đấu giá đất được các địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người dân và giới đầu tư rất thờ ơ. Thậm chí, có những lô đất rất đẹp nhưng khi thông báo đấu giá chỉ nhận được lèo tèo vài hồ sơ, đến khi đấu giá, nhiều lô đất còn không có người đấu lại phải dừng lại.
Anh Bùi Văn Tú, trú tại phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương cho biết: Tôi cũng rất quan tâm tới 2 khu dân cư đô thị đang được giao bán trên địa bàn phường vì được quy hoạch khá đẹp. Nhưng qua tìm hiểu thì tôi thấy giá đất họ đưa ra quá cao, không phù hợp với mức thu nhập của gia đình. Tôi mong muốn chủ đầu tư xác định giá lô đất cho phù hợp thực tế thị trường cũng như mặt bằng thu nhập chung để những người có thu nhập thấp cũng có khả năng sở hữu lô đất tại đây.
Một lãnh đạo phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương bày tỏ sự tiếc nuối khi các khu đất trên địa bàn phường được quy hoạch rộng rãi, khang trang nhưng có khu đã 3 lần tổ chức đấu giá đều không thành công. Theo vị lãnh đạo này, việc tổ chức đấu giá không thành công không phải do người dân không quan tâm, mà có thể do ngân hàng giờ không giải ngân cho vay, người dân bỏ tiền ra mua để ở rất khó. Phường Việt Hòa thuộc ngoại ô thành phố, trong khi giá khởi điểm cho khu đất được đưa ra đấu giá cao ngang ngửa với các phường nội thành như Thanh Bình, Tân Bình, giao thông lại không thuận lợi khi tuyến đường chính vào phường hạ tầng chưa đảm bảo sẽ kém thu hút sự quan tâm của người dân.
Tại điểm dân cư số 1 thôn Lý Văn – Phong Trạch xã Phú Điền, huyện Nam Sách (giai đoạn 2) có 34 lô đất, mỗi lô đất có diện tích 125m2. Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất này có hạ tầng vô cùng sơ sài. Mặt bằng các lô đất được san lấp thấp hơn rất nhiều so với mặt đường, hệ thống đường điện thì làm tạm bợ, diện tích mỗi lô cũng tương đối lớn khiến người dân địa phương khi quan tâm dự án đều đắn đo vì nếu họ có trúng đấu giá mà muốn xây nhà lại mất một khoản chi phí cao cho việc san lấp mặt bằng. Cán bộ địa chính xã Phú Điền, huyện Nam Sách cho biết: Sau khi mức giá khởi điểm được điều chỉnh thấp xuống nhưng người dân địa phương cũng chỉ đến tìm hiểu thông tin rồi lại đi về, không hề đả động đến việc mua hồ sơ tham gia đấu giá.
Việc các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn đã ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Tại huyện Tứ Kỳ, từ năm 2022 đến nay, hầu hết các cuộc đấu giá đất trên địa bàn huyện đều rơi vào cảnh ế ẩm. Năm 2022, huyện Tứ Kỳ hụt thu tiền sử dụng đất so với chỉ tiêu pháp lệnh giao, kế hoạch đầu tư công của huyện phải điều chỉnh 4 lần. 10 tháng của năm 2023 tiền thu sử dụng đất của huyện mới đạt khoảng 20% chỉ tiêu pháp lệnh giao.
Năm 2022 xã Minh Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) dự kiến sẽ thu hơn 16 tỷ đồng từ tiền đấu giá đất khu dân cư mới số 2 thôn Uông Thượng nhưng thực tế chỉ được khoảng 5 tỷ đồng. Năm 2023, tiền thu từ đấu giá đất tiếp tục không đạt như kế hoạch đề ra. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 2 tuyến đường liên thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu chờ vào đấu giá đất. Việc đấu giá đất ế ẩm kéo dài khiến mục tiêu này khó đạt được.
Lãnh đạo UBND xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) cho biết: Năm 2023 địa phương dự kiến thu được khoảng 30 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa được đồng nào. Xã được huyện giao phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2023, hiện còn 2 tiêu chí nông thôn mới nâng cao chưa đạt là tiêu chí trường học và đường giao thông. Với thực tế đấu giá đất như hiện nay địa phương phải lùi mục tiêu hoàn thành nông thôn mới nâng cao đến năm 2025.
Thực tế tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương, việc đấu giá đất ế ẩm trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, kinh tế suy giảm, các giao dịch bất động sản bị “đóng băng”. Đồng thời, việc xây dựng giá khởi điểm của các lô đất cũng không sát thực tế, quá cao so với mặt bằng chung hiện nay. Việc đất ế ẩm không chỉ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công mà còn làm chậm tiến trình đô thị hóa ở các địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng